Ly kỳ truyền tích ngôi miếu lớn nhất Việt Nam

ANTĐ - Ngôi miếu được cho là lớn nhất Việt Nam nằm kề cửa ngõ vào vùng Thất Sơn, người dân vẫn quen gọi là Bảy Núi, cách trung tâm thị xã Châu Đốc, An Giang chỉ 10km. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (Núi Sam, Châu Đốc, An Giang) án ngữ luôn cả cung đường kênh Vĩnh Tế từ An Giang đi Hà Tiên, Kiên Giang. Đây cũng là một trong những cung đường đẹp và hấp dẫn nhất đối với dân phượt khi đến với miền Tây Nam bộ. 

Không phải chỉ tiện đường mà người ta thường đến thăm miếu Bà Chúa Xứ, nơi đây còn có nhiều câu chuyện kỳ bí, linh thiêng, huyền tích về nguồn gốc ra đời của tượng Bà, của ngôi miếu có bề dày lịch sử ngót 200 năm tuổi. Thất Sơn là vùng duy nhất của cả đồng bằng sông Cửu Long có tới 7 ngọn núi làm đa dạng thêm cho địa hình của vùng đất phì nhiêu bằng phẳng này. Đến Châu Đốc, sau những chặng đường dài với không gian bát ngát và bằng phẳng, đỉnh núi Sam với miếu Bà Chúa Xứ như đánh dấu điểm đầu tiên của vùng núi non ở phía Nam Tổ quốc. 

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam còn là nơi lưu giữ nhiều câu chuyện huyền bí gắn với bức tượng đàn ông mang “vía Bà” vô cùng độc đáo đang được thờ trong miếu. Người ta kể rằng: Cách đây 200 năm, tượng Bà ngự trên đỉnh núi. Một bữa có tốp người ngoại bang sang quấy nhiễu, gặp tượng Bà đã nổi lòng tham định ăn cắp. Nhưng Bà linh thiêng quá đỗi, kẻ trộm vừa xê dịch tượng Bà được một đoạn đường ngắn thì kỳ lạ thay, tượng Bà trở nên nặng trĩu không sao di chuyển nổi. Họ bực tức, dùng gậy đập phá làm gãy mất một cánh tay của tượng (giờ dấu vết phục chế vẫn còn) rồi bỏ đi. Liền sau đó, Bà nhập vào một cô gái ở chân núi, xưng là Chúa Xứ thánh mẫu, bảo dân làng cử 9 cô gái đồng trinh mang kiệu đến rước tượng Bà xuống núi. Quả nhiên, khi 9 người con gái được chọn mang kiệu lên đón thì tượng Bà trở nên nhẹ tênh. Đoàn thỉnh tượng Bà đi một mạch xuống núi, tới chỗ miếu tọa lạc hiện nay thì bỗng nhiên không thể nào nhấc kiệu lên được nữa. Dân làng nghĩ Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ.

Có câu chuyện khác kể rằng: Vào đầu thế kỷ 19, Thoại Ngọc Hầu phụng mệnh vua đi dẹp giặc ở biên giới và đào kênh Vĩnh Tế. Chánh phẩm phu nhân Châu Thị Tế, vợ của Thoại Ngọc Hầu ở nhà âu lo, ngày ngày lên núi, đến trước tượng Bà cầu khấn cho chồng và dân binh luôn bình an, công việc mau chóng thu được kết quả như ý. Khi Thoại Ngọc Hầu hoàn thành sứ mệnh trở về, nghe phu nhân kể lại câu chuyện đã cho người lên núi thỉnh Bà về lập miếu thờ. Bởi vậy nên miếu thờ bà mới ở dưới chân núi. Còn trên đỉnh núi Sam, nơi tượng Bà tọa xưa kia thì vẫn còn lưu lại một bệ đá vuông vức cho đến ngày nay.

Còn rất nhiều câu chuyện ly kỳ khác về bức tượng Bà án ngữ vùng Bảy Núi và đến nay, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn là điểm đến không thể bỏ qua của bất cứ ai từng có cơ hội, dù chỉ một lần qua vùng đất đặc biệt này. 

Ngoài sự linh thiêng, miếu Bà Chúa Xứ còn là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo. Miếu ngày nay được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước, nền miếu bằng đá phiến. Kiến trúc miếu có dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách... Các hoa văn ở chính điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao có các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ dang tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ. Cho đến nay, miếu Bà Chúa Xứ vẫn là “ngôi miếu lớn nhất Việt Nam”.