Lý do khó chấp nhận

ANTĐ - Nhìn vào bảng tổng kết “kỷ lục” chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 7 vừa qua, không chỉ hành khách trong nước và nước ngoài giật mình, mà các hãng hàng không trong khu vực cũng như trên thế giới cũng phải sửng sốt về chất lượng dịch vụ hàng không Việt Nam. 

Còn nhớ, cũng giờ này năm ngoái, sự bức xúc vì máy bay chậm, hủy chuyến cũng lên tới đỉnh điểm. Chỉ sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tình trạng này mới giảm hẳn. Sang đến năm nay, máy bay chậm, hủy chuyến lại "bệnh cũ tái phát".

Trong 17.856 chuyến bay trong tháng  7-2015, đã có tới 3.817 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỷ lệ 21,4%. Mặc dù, trên bầu trời Việt Nam không còn tình trạng độc quyền mà đã có 3 hãng cùng cạnh tranh phục vụ hành khách với tiêu chí hàng đầu là an toàn, cất cánh, hạ cánh đúng giờ. Song, cả 3 hãng hàng không nội địa lại đang “cạnh tranh” nhau về thứ hạng chậm, hủy chuyến.

Theo lý giải của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ chuyến bay bị chậm chỉ là 15%. Song sang tháng 7, tỷ lệ này tăng vọt lên tới 21,4%. Nguyên nhân được dẫn ra là vì rơi vào tháng cao điểm vận chuyển du khách nội địa. Các cảng hàng không cửa ngõ du lịch thường xuyên quá tải, ùn ứ dẫn đến chậm dây chuyền. Cũng theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm chuyến bay chiếm 25,8%, khách quan chiếm 4,4%, máy bay về muộn chiếm 69,8%.

Các cảng vụ hàng không đều thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát các chuyến bay bị chậm, hủy cũng như đã chủ động thông báo thay đổi về giờ bay đến hành khách, phục vụ ăn uống và bồi thường theo đúng quy định. Hàng triệu hành khách có thể thông cảm với các hãng hàng không về những nguyên nhân “khách quan”. Song lý do gần 70% máy bay về muộn thật khó chấp nhận. Kế hoạch khai thác của các hãng hàng không phải vô cùng khoa học đâu thể như... xe khách đường dài.

Hàng không dân dụng không thể tùy tiện khai thác theo kiểu tận thu như vận tải hàng khách đường bộ. Thử đặt mình vào hoàn cảnh hành khách phải chầu chực, vất vưởng, mệt mỏi trên sân bay, dù có “thông báo kịp thời” hoặc giải thích mọi lý do thì cũng khó lấy được hài lòng cũng như sự tin cậy của hàng triệu hành khách.

Chọn phương tiện đi lại bằng máy bay, chứ không chọn tàu hỏa, tàu thủy, xe khách, chủ yếu vì nhanh, tiện lợi, đỡ tốn thời gian, đỡ mệt thân và đỡ khó chịu. Nếu các hãng hàng không không khắc phục được tình trạng chậm, hủy chuyến, thì người dân sẽ ngày càng mất niềm tin vào chất lượng dịch vụ hàng không Việt Nam.