Lương thấp, công nhân chật vật làm thêm

ANTĐ - Với mức lương trung bình 3,817 triệu đồng/người/tháng, công nhân các khu công nghiệp coi việc làm thêm là cái phao để đảm bảo cuộc sống hàng ngày.    

Lương thấp, công nhân chật vật làm thêm  ảnh 1Đa số công nhân phải tằn tiện mới có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu (Ảnh minh họa)

Theo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, mức lương thực hưởng bình quân của công nhân tại Hà Nội năm 2015 khoảng 4,4 triệu đồng/người/ tháng. Với mặt bằng giá cả sinh hoạt trên địa bàn thành phố hiện nay, đa số công nhân phải tằn tiện hết mức mới có thể đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu.

Không làm thêm thì đói

Theo khảo sát của chúng tôi tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), vì mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp nên hầu hết công nhân coi việc làm thêm là cái phao để đảm bảo cuộc sống. Anh Nguyễn Minh, một công nhân có thâm niên tại Công ty TNHH Ogino Việt Nam, có vợ cũng là công nhân tại Công ty Canon Việt Nam, nằm cùng khu công nghiệp.

Ngoài khoản lương cố định được trả theo mức lương tối thiểu, nhờ chịu khó làm thêm ngoài giờ nên bình quân mỗi tháng, mỗi người cũng thu nhập được khoảng 5 triệu đồng. Thế nhưng, suốt mấy tháng gần đây, công ty ít việc, công nhân được phân giờ làm thêm rất ít nên thu nhập của anh Minh giảm hẳn, cuộc sống sinh hoạt của 2 vợ chồng vốn dĩ đã không dư dả lại càng thêm khó khăn, nhất là khi vợ anh chuẩn bị nghỉ làm để sinh con thứ hai. 

Anh Minh chia sẻ, tại nhà máy của anh, nếu có việc làm thêm vào ngày thường, công nhân được trả 150% lương, làm thêm buổi tối được cộng thêm 35%, làm thêm ngày nghỉ được trả 200%. Vì thế, ai cũng mong nhà máy có nhiều việc, nhiều đơn hàng để… được làm thêm, bởi nếu không có việc làm thêm thì đành “chịu đói”.

 Anh Minh nói: “So với mức lương tối thiểu vùng năm nay (vùng 1 là 3,1 triệu đồng/ người/ tháng) thì hiện Công ty Ogino Việt Nam trả khởi điểm là 3,4 triệu đồng/người/tháng. Những công nhân có thâm niên được tính theo điểm bình xét hàng tháng nên lương cao hơn chút nữa nhưng “kịch trần” cũng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà đã hết khoảng 1 triệu đồng/phòng/ tháng, rồi đủ loại tiền khác cho điện, nước, ăn uống, đi lại, gửi con… Nếu lương tối thiểu cứ thấp như hiện nay, rất khó để chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài với công việc”. 

Đây cũng là bức tranh chung về đời sống công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hà Nội chia sẻ, có đi khảo sát đời sống công nhân ở các khu công nghiệp mới thấy “buồn thê thảm”. “Có trường hợp công nhân đi viện mà không có đồng nào, chủ nhà trọ phải ứng tiền đóng viện phí. Thu nhập đã thấp, công nhân còn phải đối mặt với giá cả thị trường liên tục tăng… ” - ông Đặng Minh Thuần kể.  

Sớm “trả nợ” cho công nhân

Kết quả cuộc khảo sát về đời sống công nhân do Viện Công nhân - Công đoàn vừa tiến hành tại 10 tỉnh/ thành phố trên cả nước đã chỉ ra rất rõ thực trạng này. Theo đó, mức lương trung bình của công nhân được trả hiện nay là 3,817 triệu đồng/người/ tháng. Dù đã cải thiện khoảng 10% so với năm 2014 song mức lương này mới chỉ đáp ứng được 78-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động như: ăn, mặc, thuê nhà trọ, đóng bảo hiểm xã hội, phương tiện đi lại và một số nhu cầu thiết yếu khác. Khảo sát còn chỉ ra nguyên nhân chính của các tranh chấp lao động và đình công trong các doanh nghiệp là do tiền lương và thu nhập của công nhân quá thấp (chiếm 71,8% số ý kiến của công nhân); 43% cho rằng tiền lương tối thiểu lạc hậu…

Nói về vấn đề này, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia nhấn mạnh: “Với mức tăng lương tối thiểu như năm 2015, chúng ta vẫn còn nợ người lao động trên 20% so với nhu cầu sống tối thiểu. Vì thế, năm 2016, nếu lương tối thiểu tăng trên 14,3% cũng chưa giải quyết được số nợ đó”. Do đó, không có lý do gì để không tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình.

Ông René Robert, Quyền Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu nên được thực hiện thường xuyên và căn cứ trên cả các yếu tố xã hội lẫn kinh tế. Cụ thể, phải căn cứ vào nhu cầu của người lao động và gia đình họ; chi phí sinh hoạt; khả năng chi trả của doanh nghiệp; mức năng suất lao động và mong muốn duy trì việc làm. “Quan trọng nhất là phải hướng đến lộ trình tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Chắc chắn Việt Nam cần phải tăng tiền lương tối thiểu trong ngắn hạn để hướng đến lộ trình này” - ông René Robert “chốt” lại.