Lương hưu chênh lệch lớn khiến nhiều người muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chính sách lương hưu đang tồn tại sự chênh lệch khá lớn về mức hưởng giữa các nhóm đối tượng, làm nản lòng người lao động có mức lương hưu thấp dẫn đến gia tăng số lượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Số người nhận bảo hiểm xã hội một vẫn tăng ở mức báo động

Số người nhận bảo hiểm xã hội một vẫn tăng ở mức báo động

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những năm gần đây số lượng người lao động nghỉ việc, nhận bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 226.500 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc người lao động nghỉ việc, ồ ạt nhận bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề đáng báo động. Người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt thòi rất nhiều, bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội.

Chỉ ra nguyên nhân của việc số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần liên tục gia tăng, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng chính sách lương hưu đang tồn tại sự chênh lệch khá lớn về mức hưởng giữa các nhóm đối tượng, làm nản lòng người lao động có mức lương hưu thấp dẫn đến gia tăng số lượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phân tích kỹ hơn về nội dung này, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, do thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp nên chênh lệch về lương hưu còn tương đối cao.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến cuối năm 2017, mức lương hưu bình quân là 4,26 triệu đồng/người/tháng; mức lương hưu cao nhất: 101,3 triệu đồng/tháng; có hơn 4.100 người hưởng mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng; có hơn 3.989 người hưởng mức từ 13 triệu đồng/tháng trở lên.

Như vậy, việc chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa các nhóm lao động, có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá thấp (1,3 triệu đồng) và cá biệt có người hưởng mức lương hưu hàng tháng quá cao, từ đó làm giảm niềm tin của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Nhiều người đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 600 ngàn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.

Trước thực tế đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.

Phương án đề xuất là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu đối với người lao động được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người đó, và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trung bình của tất cả mọi người tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ LĐ-TB&XH nếu phương án trên được thực hiện sẽ tạo ra sự chia sẻ nhất định giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp; khuyến khích người tham gia bảo hiểm xã hội có mức tiền lương thấp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Đồng thời, tạo thuận lợi người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội ở các địa phương trong quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động và thân nhân của người lao động.