Luôn đảm bảo tương lai công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam nỗ lực tạo môi trường thuận lợi để người khuyết tật, người yếu thế không chỉ thụ hưởng các ích lợi, mà còn được tham gia quá trình quyết sách và đóng góp cho sự phát triển xã hội. Đó cũng chính là sự khẳng định cam kết của Việt Nam hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo đảm một tương lai công bằng, bao trùm và bền vững cho tất cả mọi người với quan điểm nhất quán “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Việt Nam nỗ lực bảo đảm thực thi các quyền của người khuyết tật trong đó có quyền có việc làm

Việt Nam nỗ lực bảo đảm thực thi các quyền của người khuyết tật trong đó có quyền có việc làm

Bảo vệ quyền và thực hiện chính sách trợ giúp người khuyết tật

Tại Hội nghị lần thứ 15 các nước thành viên Công ước Quyền của người khuyết tật (CRPD) với chủ đề “Xây dựng một xã hội bao trùm và tham gia cho người khuyết tật trong bối cảnh Covid-19 và tiếp theo” diễn ra từ ngày 14 đến 16-6 tại New York (Mỹ), Tham tán Công sứ, Phó trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Lê Thị Minh Thoa khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và lợi ích của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử và luôn lồng ghép vấn đề trong khuôn khổ phát triển của đất nước. Việt Nam luôn nỗ lực tạo môi trường thuận lợi để người khuyết tật không chỉ thụ hưởng các ích lợi mà còn được tạo cơ hội tham gia quá trình quyết sách và đóng góp cho sự phát triển xã hội.

Phát biểu của Việt Nam được Hội nghị lần thứ 15 CRPD ghi nhận, đánh giá cao trong bối cảnh việc thực hiện và bảo đảm quyền của người khuyết tật còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 hoành hành, tác động nghiêm trọng tới mọi mặt kinh tế - xã hội trên toàn cầu, kéo lùi nhiều thành tựu phát triển. Bảo đảm các quyền của người khuyết tật luôn được cả thế giới chú trọng, đề cao, khi mà CRPD là một trong những công ước quốc tế được nhiều quốc gia phê chuẩn nhất (182 quốc gia) và trong thời gian ngắn nhất.

Không chỉ sớm phê chuẩn CRPD, nước ta còn luôn thực thi và thúc đẩy quyền của người khuyết tật trên thực tế. Bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm sâu sắc. Việc phê chuẩn này cũng là một bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý của nước ta nhằm hỗ trợ người khuyết tật ngày càng tốt hơn. Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật được thông qua vào năm 2010, Kế hoạch hành động quốc gia về người khuyết tật (2012) với mục tiêu đào tạo nghề và tạo việc làm cho 250.000 lao động khuyết tật, cũng như đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền của người khuyết tật vào năm 2014. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030, sẽ tăng thêm 3 nhóm hoạt động là nhóm đối với phụ nữ khuyết tật; Hội Người khuyết tật; trợ giúp cho người khuyết tật sống độc lập thông qua trợ giúp về phương tiện.

Việt Nam đã luôn nỗ lực thực hiện các cam kết tạo ra cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật bằng cách đưa ra các ưu đãi chính sách cho doanh nghiệp. Đồng thời, giám sát và kiểm tra việc thực hiện chính sách cũng được đẩy mạnh tại các cơ sở đào tạo nghề và các nơi làm việc. Nhờ đó hàng triệu người khuyết tật ở nước ta, trong đó có trẻ em khuyết tật, được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 100% người khuyết tật đặc biệt được bảo hiểm y tế, đã có 20 trung tâm giáo dục hỗ trợ hòa nhập, 107 trung tâm giáo dục đặc biệt cho trẻ em khuyết tật, 256 cơ sở đào tạo cho người khuyết tật và 400 doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ.

Đối tác chính hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam

Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng hơn 7% dân số, trong đó có gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Hiện gần 3 triệu người đã được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Đảng, Nhà nước và cộng đồng luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Đặc biệt, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của người khuyết tật. Sau 8 năm thực hiện chương trình, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đã được thực hiện và cơ bản hoàn thành. Chương trình đã thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và người khuyết tật. Trong đó, nổi bật là cả nước đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố, phát triển được mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 địa phương; biên soạn và cung cấp một số giáo trình, tài liệu phục vụ việc học tập của học sinh khuyết tật, số lượng học sinh khuyết tật được đi học trong giai đoạn 2012-2020 đã tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000-2010. Đồng thời, chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng cao, trên 45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên, tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở trẻ em khuyết tật đã giảm đáng kể. Cả nước hiện có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là hơn 3.300 người. Bình quân mỗi năm có từ 17.000-20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật đã khẳng định tính tất yếu và hiệu quả thiết thực mang lại, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với người khuyết tật, được xã hội đồng tình và đánh giá cao, người khuyết tật phấn khởi đón nhận và tham gia tích cực. Với việc triển khai tốt các chính sách, người khuyết tật được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện đáng kể. Nhiều rào cản môi trường cũng như xã hội đã và đang từng bước được dỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Đặc biệt, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, năm 2021, dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song các mặt hoạt động công tác người khuyết tật luôn được triển khai đồng bộ, chủ động, với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan. Điều đó thấy rõ qua việc ngân sách Nhà nước đã bố trí hơn 18.500 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và trên 356 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật. Năm 2021, cả nước đã triển khai được tổng cộng hơn 1.100 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật. Riêng Hội Người mù Việt Nam đã cho vay hơn 500 dự án, trong đó có hơn 450 dự án của người khuyết tật, tạo việc làm cho hơn 550 hội viên.

Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen đánh giá, người khuyết tật chiếm khoảng 7% dân số Việt Nam và UNDP với tư cách là các cơ quan của Liên hợp quốc nhận thấy, người khuyết tật không chỉ là người thụ hưởng mà còn là đối tác chính trong nỗ lực hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.