Lùi một bước thấy trời cao biển rộng

ANTĐ - Nhan Uyên là một người tốt bụng và ham học hỏi, là người học trò rất được Khổng Tử yêu quý.Một ngày nọ, khi đi ra chợ, qua hàng bán vải, Nhan Uyên thấy đám đông vây quanh 2 người đang cãi nhau kịch liệt, người mua hàng mắt mũi trợn ngược, tay chân khua khoắng hét người bán hàng: “3 nhân 8 bằng 23 đồng, sao ông cứ đòi 24 đồng là sao?”. Nhan Uyên thấy tức mình bèn nói: “3 nhân 8 bằng 24, anh tính sai rồi, trả tiền cho người ta đi”. Nhưng người mua hàng vẫn hùng hổ nói bằng 23, anh ta đòi gặp Khổng Tử là người học rộng tài cao để phân xử.

Nhan Uyên bực mình, hỏi: “Nếu Khổng Tử nói anh sai thì sao?”, “thì ta cho anh chém chết ta luôn”, người đàn ông mua hàng hùng hổ đáp. Nhan Uyên cũng trả lời: “Được, nếu tôi sai tôi sẽ từ quan”. Hai người kéo nhau đi gặp Khổng Tử, Khổng Tử nghe xong bình tĩnh nói: “8 nhân 3 bằng 23 là đúng rồi đó. Nhan Uyên con cởi mũ từ quan đi”.

Nhan Uyên trước nay chưa bao giờ cãi lại thầy nên cởi mũ từ quan, nhưng trong đầu không phục, nghĩ thầy già quá nên lẫn rồi không muốn học thầy nữa. Nhan Uyên muốn nghỉ học nhưng không muốn nói thẳng ra mà xin Khổng Tử nghỉ mấy hôm về nhà thăm vợ con, Khổng Tử đồng ý và dặn: “Trời mưa đừng trú cây cổ thụ, chưa rõ trắng đen không được xuống tay”.

Trên đường về nhà, trời bỗng nổi giông gió, sấm chớp, Nhan Uyên nhìn thấy cây cổ thụ to rỗng ruột bên đường, định vào trú thì nhớ tới lời thầy dặn nên không vào, vừa chạy đi được một quãng thì một tiếng sét xé trời đánh tan cây cổ thụ khiến Nhân Uyên sợ toát mồ hôi. Về đến nhà đêm đã khuya, không muốn người nhà bị tỉnh giấc, Nhan Uyên rón rén vào phòng, thấy vợ mình nằm ngủ cùng người khác vô cùng tức giận, rút kiếm ra định chém thì nhớ tới lời Khổng Tử dặn, bèn tra kiếm vào bao, mở chăn ra xem thì hóa ra là vợ mình nằm cùng em gái.

Nhan Uyên ngay sáng hôm sau quay lại, quỳ xuống chân Khổng Tử thưa: “Thưa thầy, người hôm qua đã cứu sống cả 3 người nhà con, sao người biết trước sự việc sẽ như vậy?”. Khổng Tử bảo Nhan Uyên đứng dậy rồi nói: “Hôm qua ta thấy thời tiết nóng bức, đoán chiều sẽ có cơn giông, bản thân con thì đang bực giận, lại mang kiếm trong người, nên ta nhắc vậy thôi”.

Nhan Uyên cúi đầu kính nể, Khổng Tử nói tiếp: “Ta biết con xin về thăm nhà chỉ là cái cớ, thực ra trong bụng con nghĩ ta già rồi nên bị lẫn không muốn theo học ta nữa. Sự việc hôm qua, con thử nghĩ xem, 3 nhân 8 bằng 23, con thua, thì cũng chỉ là bỏ cái mũ quan mà thôi, nhưng nếu ta nói bằng 24, người mua hàng kia thua thì mất cả một mạng người đó. Con nói xem, một chức quan hay một mạng  người quan trọng hơn?”.

Nhan Uyên tỉnh ngộ, sụp xuống lạy thầy và xin lỗi vì sự hồ đồ của mình. Khổng Tử ôn tồn chỉ dạy: “Ở đời thắng hay thua cũng cách nhau một ranh giới mong manh nhưng đôi lúc phải trả giá bằng cả cuộc đời, vì thế hãy lùi một bước thì sẽ thấy trời cao biển rộng, biết mình, biết người, biết nhẫn nhịn và lắng nghe. Hiểu được điều này thì cả nhân gian người người đều an lành, hạnh phúc!”.