Lực sỹ Mách, "giáo sư" Xoay bị cuốn vào ảo mộng showbiz?

ANTĐ - Chúng ta trong đời, ai cũng ước mình thành đạt. Và với nhiều người, nổi tiếng chính là một thước đo như vậy.

Ảo phù hoa dính dáng mật thiết với tham vọng, nên khó mà nói rằng ta chẳng cần gì, không màng thế sự, không mưu cầu tiếng thơm. Thời buổi truyền hình cạn kiệt ý tưởng, truyền thông hối hả dựng scandal, thì không ít người đã đi lạc chân vào showbiz và nổi tiếng. Rồi nổi tiếng lại biến thành tai tiếng. Lúc hối thì e đã muộn màng...

Giáo sư Xoay và lời chê... nát rượu

Có lẽ, khi nhận lời tham dự chuyên mục “Hỏi xoáy đáp xoay” trên VTV3, Đinh Tiến Dũng cũng không nghĩ có ngày anh bị đem ra làm đề tài châm biếm về cái gọi là “trí thông minh và sự tài giỏi”. Với một người trí thức, không gì đáng buồn hơn là bị nói mình kém tài, nhất là kém tài mà lại còn không khiêm tốn. Xem ra, cái lợi đã bất cập hại. Khỏi phải trình bày, thì “giáo sư Xoay” cũng đã được hưởng lợi từ những chương trình đó. Anh có một lượng người hâm mộ, trong đó có cả một số nữ phóng viên thích tìm người đàn ông hóm hỉnh để nói chuyện.

Chính vì thế, anh luôn được các cô gái này ưu ái, miêu tả trong những bài viết của mình như một nhân vật kỳ tài, nhân văn sâu sắc nhưng cũng đầy hóm hỉnh, trào lộng. Chân dung “giáo sư Xoay” được thể hiện nhiều đến mức người ta nghĩ ngoài đời anh là giáo sư thật. Sự uyên bác cũng như nét duyên dáng của “giáo sư Xoay” làm nức lòng người hâm mộ. Cứ như thế, chân dung người đàn ông này được hoàn thiện, không hẳn do anh muốn bày biện cho mình thêm... đỏm dáng, mà vì sự tô vẽ có chủ ý của những cô gái thích một hình mẫu “anh hùng metrosexual”, một mẫu đàn ông hiện đại với đủ đầy phẩm chất tốt đẹp mà họ từng mơ ước. Mà nếu bình thường, khen một nam người mẫu hav ca sỹ là uyên bác thì sợ thiên hạ chửi là PR. Nên họ khen một “giáo sư”, mà giáo sư này lại xuất hiện trên truyền hình hàng tuần, nói những câu ngồ ngộ, thậm chí là có những câu thú vị, thì thực tiễn biết bao.

Tôi nhớ có nữ nhà báo tuổi ngoài 40 đã viết một bài báo kín nguyên trang báo để ca ngợi tinh thần công dân của giáo sư Xoay. Cũng chả sao. Nhưng ngẫm lại, có hàng triệu người cũng tiêu biểu, thậm chí xuất sắc hơn, nhưng chỉ vì nữ nhà báo thích Xoay, nên ưng thuận để viết bài mùi mẫn. Báo chí bây giờ nhiều, một trang chứ 10 trang cũng không có vấn đề gì ầm ĩ...

Cù Trọng Xoay Đinh Tiến Dũng đang giúp FPT nổi danh nhờ... showbiz

Cho đến một ngày, Cù Trọng Xoay không chỉ lên tivi nói... như người say rượu (lời bình luận của một bạn đọc trên báo mạng), mà anh bước vào một show truyền hình giải trí, với tư cách là một thí sinh. Anh thi hát. Cuộc thi ấy anh cũng trụ được tới Top 5, nghĩa là khá hơn nhiều cặp đôi khác, dù ai cũng thấy anh hát karaoke thì rất được, hoặc gọi là hát giao lưu thì sẽ được vỗ tay đập bàn rầm rầm, chứ bước lên sân khấu chuyên nghiệp để mộng thành sao thì e rằng thiên hạ sẽ lắc đầu lè lưỡi. Và thực sự, nếu giáo sư Xoay thành ca sỹ chuyên nghiệp, thì anh phá vỡ tất cả mọi quy trình hay hình thức lăng xê của công nghệ showbiz hiện đại: một anh tuổi chòm chèm 40, ngoại hình bình thường (hơi xù xì), giọng hát bình thường (hơi thô cứng) mà thành ngôi sao! Và sẽ không ít nam ca sỹ l0 năm khổ luyện trong nhạc viện cảm thấy mình bị... sỉ nhục, 10 năm tu luyện không bằng một kẻ tay ngang!

Tất nhiên, giáo sư Xoay có đủ thông minh để không nhận mình làm ca sỹ, dù anh vẫn nhận lời tham gia một số show ca nhạc với tư cách “ca sỹ hát giao lưu”. Hiệu ứng của truyền hình làm mọi sự thay đổi. Không phải ai cũng biết sau “Cặp đôi hoàn hảo”, cặp đôi Đoan Trang - Trấn Thành đã hét cát sê khiến nhiều ông bầu nhức đầu. Không phải ai cũng biết, giáo sư Xoay rất được lòng một bộ phận khán giả và đó là lý do anh được một số bầu show săn đón. Nhưng cũng chả sao, mọi thứ trôi đi khá nhanh và chúng ta sẽ phải đối diện với sự thật nhanh hơn chúng ta nghĩ.

Khi những câu chuyện về giáo sư Xoay được tô vẽ quá nhiều trên báo chí (bản thân người viết cho rằng anh cũng không cố tình tạo ra điều đó), chẳng hạn như anh được tung hô là tác giả của kịch bản “Táo quân” trên truyền hình Tết, nhiều người làm nghề tỏ ra bất bình. Và cũng không ít người bằng cách tôn vinh giáo sư Xoay mà ra phủ nhận tài năng của diễn viên Xuân Bắc. Tế nhị và khéo léo, những nghệ sỹ Hà Nội không chỉ trích hay phỉ báng giáo sư Xoay, nhưng cách họ trả lời báo chí đủ để khán giả tự hiểu, mọi chuyện không phải như vậy.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói, “ở chương trình Hỏi xoáy đáp xoay, Xuân Bắc không phải là một người kém tài năng, nhưng anh ta phải chấp nhận tự làm “lu mờ” toàn bộ hình ảnh của mình. Không phải anh Cù Trọng Xoay là người giỏi hơn Xuân Bắc, anh Cù Trọng Xoay chỉ bằng 1/10 Xuân Bắc, nhưng Xuân Bắc phải biết nhường cho bạn diễn. Đó là yêu cầu của chương trình. Nhân vật giáo sư Cù Trọng Xoay cần phải được nổi trội, cần được thu hút, thì Xuân Bắc phải biết “tôn” bạn diễn lên”.

Và diễn viên Vân Dung cũng đã hé mở sự thật, thực ra Đinh Tiến Dũng (tức giáo sư Xoay) không phải là tác giả của toàn bộ kịch bản Táo quân. “Thực ra, tôi biết khả năng của anh Xuân Bắc, anh Bắc là người thông minh, rất thông minh. Với anh Đinh Tiến Dũng quả thật tôi không biết về khả năng của anh ấy. Bởi vì tôi chưa bao giờ làm việc trực tiếp với anh Đinh Tiến Dũng. Anh Dũng có thể viết một phần kịch bản rất nhỏ trong Táo Quân, có thể nói là rất nhỏ thôi chứ hoàn toàn không phải anh Đinh Tiến Dũng là người viết toàn bộ kịch bản cho Táo Quân. Anh ấy viết những bài hát chế, có thể là một hoặc hai bài chẳng hạn... Để nói chuyện hài hước thì rất nhiều người làm được nhưng để làm diễn viên hài thì không phải ai cũng làm được. Có những người kể chuyện rất hóm hỉnh, nói chuyện cũng rất hóm hỉnh nhưng để người ta bước chân lên sân khấu, diễn được cái hóm hỉnh ấy để gây cười cho khán giả bằng một tiểu phẩm có nội dung thì không phải ai cũng làm được" - Vân Dung nói.

Tham gia vào showbiz là phải gánh trên vai mớ thị phi giống như một cái bình nóng lạnh bất thường. Có lẽ, giáo sư Xoay đã cảm nhận được điều ấy. Như lúc anh tâm sự khi tham gia “Cặp đôi hoàn hảo”, rằng anh đã phải kéo cả gia đình vào “cuộc đua” của mình. Hình ảnh của “giáo sư Xoay” giờ đây đã không còn thuần chất. Người ta chợt nhận ra hình như có gì đó, như là sự tham vọng và một chút ảo tưởng của sự nổi tiếng. Mọi chuyện có vẻ như chưa kết thúc. Nhưng rõ ràng, con đường đi của “ngôi sao mới” sẽ vất vả và khó khăn hơn...

Lực sỹ Mách, "giáo sư" Xoay bị cuốn vào ảo mộng showbiz? ảnh 2

Khi kiến càng mộng thành sao ca nhạc

Cùng chung sân với giáo sư Xoay, Phạm Văn Mách đã bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Chính anh khẳng định như vậy và phớt lờ... mọi lời cảnh báo. Đôi khi cuộc sống có những ngã rẽ, và chúng ta sẽ trưởng thành từ những ngã rẽ đó. Nhưng, có những điều cần phải suy nghĩ, rằng sự lựa chọn này có phù hợp với mình hay không. Câu trả lời quả thực không dễ dàng.

Với Phạm Văn Mách, anh đã từng có vinh quang đỉnh cao là các giải thưởng thế giới về thể hình, một vinh quang mà chỉ rất ít người Việt Nam có được. Và đó là kết quả của những năm tháng không ít đắng cay và hy sinh thầm lặng cuộc sống của mình. Người ta đã quen với hình ảnh Phạm Văn Mách bước lên đài chiến thắng, trong lĩnh vực mà anh lựa chọn và khổ luyện. Tất nhiên, không ai có thể đứng mãi trên đài vinh quang, nhất là với vận động viên thể thao đỉnh cao. Nhưng, người ta có thể giữ gìn hình ảnh đó. Với nhiều người, sẽ là những bước đi thận trọng trong nghề huấn luyện viên, có người chuyển qua kinh doanh, cũng có người làm công việc thầm lặng khác. Tất cả để giữ gìn một hình ảnh đẹp trong lòng những người đã trót yêu mến mình. Bởi sự yêu mến ấy chính là một thứ giá trị chúng ta không thể nào đổi được bằng tiền...

Phạm Văn Mách rẽ sang một hướng khác. Câu chuyện Mách có đi hát giao lưu ở quán xá Sài Gòn ai cũng biết, và thừa nhận anh hát cũng được. Đó có lẽ cũng chính là lý do anh được mời tham dự chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”. Việc xuất hiện của Phạm Văn Mách gây được chú ý. Nhưng câu chuyện có lẽ nên dừng lại ở đó, như một kỷ niệm đẹp. Giờ thì cái tên Phạm Văn Mách đã thấp thoáng đâu đó trong những tụ điểm ca nhạc dành cho giới bình dân. Và hình ảnh của anh cũng thấp thoáng đâu đó trên các trang báo mạng, khoe ngực khoe thân (thực ra lực sĩ chỉ đẹp trên sân khấu thôi, chứ ở ngoài thì lại giống... kiến càng). Biết làm sao bây giờ, khi anh đã trót yêu nghề ca hát và muốn tiến thân trên con đường đó...

Bả phù hoa...

Phù hoa và danh tiếng, quả là những điều khó dứt. Nhiều bạn trẻ đi xem phim “Thanh Xà, Bạch Xà” rất thích câu trong bài hát: “Tu luyện ngàn năm cũng không bằng ở bên người một phút. Chỉ cần hạnh phúc, yêu nào có gì sai”. Quả là khi bạn yêu ca hát hay mê đắm nghệ thuật thì cũng chẳng có gì sai. Tình yêu với những thứ làm tâm hồn ta tinh tế hơn là điều đáng quý trong thời buổi... cơ giới hóa ồn ào lai tạp. Nhưng, như Thanh Xà, Bạch Xà, vì yêu mà cuối cùng cũng phải trả cái giá đắt cho tình yêu ấy. Yêu không có gì sai, nhưng bạn đã sẵn sàng để trả giá cho tình yêu ấy hay chưa? Câu trả lời này không cần vội, đợi khi nào tĩnh tâm, bạn tự tìm ra và tự quyết định. Vậy thôi!