Luật sư nói gì về Công văn 7217 của Quảng Ninh về phòng chống dịch?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 12/10/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn số 7217/UBND-DL1 về việc hướng dẫn thực hiện một số giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay. Theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy, một số nội dung trong công văn này chưa phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ.

Công văn 7217/UBND-DL1 nêu rõ, từ 0 giờ ngày 13/10, tất cả người từ các địa phương khác vào Quảng Ninh hoặc người Quảng Ninh từ các địa phương khác trở về tỉnh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu; thực hiện khai báo y tế, quét mã QR, quét mã căn cước công dân hoặc mã thẻ định danh tại các chốt kiểm soát thông tin ra vào tỉnh.

Đối chiếu với Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì có một số nội dung trong văn bản này phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ - Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận định.

Theo Nghị quyết 128/NQ-CP thì đối với vùng cấp độ 1 và cấp độ 2 thì việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau là không hạn chế, không có quy định về cách ly và xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, trong Công văn 7217/UBND-DL1 về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện một số giải pháp phòng, chống dịch lại nêu rõ, tại Quảng Ninh, vùng cấp độ 2 vẫn yêu cầu cách ly y tế, xét nghiệm bằng RT-PCR 2 lần.

Ngoài ra, Theo Nghị quyết 128/NQ-CP, vùng 4 bị hạn chế và phải tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm và cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh có quy định vùng cấp độ 4 không được phép di chuyển ra khỏi địa phương đang thực hiện giãn cách phong tỏa, chỉ được về khi được coi là trường hợp bất khả kháng.

Nội dung cơ bản của Công văn 7217

Nội dung cơ bản của Công văn 7217

Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, mặc dù nằm trong nhóm có nguy cơ thấp về lây nhiễm dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Công điện số 07/CĐ-UBND về việc tiếp tục duy trì các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội trên địa bàn. Theo đó, tỉnh này thực hiện cách ly có thu phí đối với tất cả những người đến từ/ đi qua vùng dịch đến tỉnh Quảng Ninh, người rời Quảng Ninh đến các vùng dịch trở về trong khoảng thời gian nhất định.

Ngay sau khi được ban hành văn bản này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đa số người dân đều cho rằng, với địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp thì việc thực hiện cách ly có thu phí đối với tất cả những người đến từ/ đi qua vùng dịch đến địa phương này, người rời địa phương này đến các vùng dịch trở về là khiên cưỡng, không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và các quy định liên quan.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khó lường thì việc một số địa phương tiếp tục áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm hạn chế sự bùng phát dịch trở lại là cần thiết.

Song việc ra các văn bản chỉ đạo với tinh thần quyết liệt quá mức cần thiết, sự tùy tiện trong phòng chống dịch bệnh sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, gây thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của xã hội.

“Việc phòng chống dịch đã có luật Phòng chống dịch bệnh, các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh, thành cần nghiêm túc thực hiện những văn bản đó, đồng thời áp dụng biện pháp mềm dẻo, linh hoạt dựa trên diễn biến thực tế của dịch bệnh của địa phương mình để vừa có thể ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế và giao thương" - Luật sư Đào Tơ nhấn mạnh.