Luật hóa để tránh việc kẻ xấu lợi dụng gây mất ANTT

ANTĐ - Sáng 21-5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ). Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.

Cần chú trọng an toàn hàng hải

Nhiều ĐBQH đề nghị nên đưa vào luật GTĐTNĐ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên sông nước.  Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) cho rằng, sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn tiềm ẩn tai nạn, do vậy, dự thảo luật nên có quy định rõ hơn trong việc cứu hộ, cứu nạn cũng như số lượng người tối đa trên các tàu, thuyền để hạn chế xảy ra chìm tàu, phà, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân. Bên cạnh đó, quy định mặc áo phao khi đi đò ngang chưa có tính khả thi. Bởi, thực tế cho thấy nhiều người vô ý thức, thậm chí học sinh không chấp hành quy định này. 

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến cứu hộ, cứu nạn, đăng ký, đăng kiểm, một số ĐBQH nhận xét, việc phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng GTĐTNĐ còn chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn GTĐTNĐ, do đó cần phân cấp cho các địa phương trong việc quản lý cảng, bến thủy nội địa, tách bạch hơn trong quản lý hàng hải và GTĐTNĐ.

Chốt lại thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý các vấn đề đã được ĐBQH nêu. Cụ thể, quy định đăng ký bến bãi không được có thêm thủ tục rườm rà. Cùng với đó, cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức để có giải pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. 

Tranh luận về Luật Biểu tình

Chiều 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.

Nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau là có nên sớm ban hành Luật Biểu tình hay không. ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, Luật Biểu tình cần sớm được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để Quốc hội xem xét ban hành. Ông Đinh Xuân Thảo nói: “Chính phủ đã thống nhất đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Biểu tình. Cá nhân tôi thấy nên sớm có luật này. Với tình hình hiện nay, nếu không có luật, lực lượng công an sẽ rất vất vả. Tôi thấy một số dự luật trong chương trình chưa thực sự cấp bách có thể lùi lại để ưu tiên xem xét Luật Biểu tình trước”.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) hoàn toàn đồng tình: “Nên có Luật Biểu tình với những quy định cụ thể. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng, sẽ không thể xảy ra những cuộc biểu tình trái pháp luật”. ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An) cũng nhất trí: “Cần có Luật Biểu tình để tránh việc kẻ xấu lợi dụng gây hậu quả xấu như vừa xảy ra. Tôi đề nghị xem xét Luật Biểu tình càng sớm càng tốt để quản lý được trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để người dân thể hiện được quan điểm của mình”.

Trong khi đó, ĐB Lê Hiền Vân (Hà Nội) cho rằng, xem xét Luật Biểu tình lúc này là chưa hợp. “Quốc hội bỏ dự luật này ra tôi đồng tình rất cao. Ý kiến đề xuất của một số đại biểu tôi cũng không đồng tình vì Luật Biểu tình ở nước ta hiện nay chưa cần thiết” – ông Lê Hiền Vân nói. ĐB Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) cũng không đồng tình: “Luật Biểu tình trong tình hình hiện nay không nên đưa ra. Biểu tình quy định trên giấy nhưng thực tế diễn ra thế nào ai kiểm soát được...”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son: “Chúng ta không ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân, nhưng khi có tuần hành, biểu tình phải thực hiện theo đúng pháp luật. Còn khi chưa có Luật Biểu tình, chúng ta thực hiện theo Nghị định 38/NĐ-CP”.