Luật cũng... bó tay

ANTĐ - Chỉ sau 6 tháng cấp phép, một dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn 4 tỷ USD đã bị giải thể. Một loạt nhà đầu tư nước ngoài ở Bình Dương đã rút về nước và không có ý định trở lại nhưng chính quyền không có cách gì để thu hồi đất hoặc giải thể. Hay như mới đây, một tỉnh vừa đưa ra đề nghị chấm dứt một dự án “hoành tráng” trị giá tới 25 tỷ USD nhưng chưa hề “động tĩnh” gì, thế nhưng đề nghị này cũng không thể thực hiện được. Đây chỉ là một số trong nhiều trường hợp mà cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải bó tay không thể kiểm soát được nhà đầu tư hoặc kiểm tra, xử lý dự án.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cho biết, chỉ tính riêng trong hai năm 2009-2010, các cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều trường hợp không thể điều chỉnh được bằng Luật Đầu tư và các nghị định dưới luật. Vì sao dẫn đến tình trạng luật cũng… bó tay? Nguyên nhân là các khái niệm trong luật còn thiếu và chưa rõ ràng khiến cho những quy định trong luật và nghị định quá “chênh vênh” so với thực tế. Người ta nhầm lẫn khi cho rằng, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể “mặc” chung một chiếc áo. Ngay cả đầu tư công và đầu tư tư nhân đã khác nhau, nhưng trong Luật Đầu tư cũng chỉ dành đúng một trang.

Tương tự, đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp cũng hoàn toàn khác nhau vậy mà vẫn “nhốt” chung một chuồng. Ông Chủ tịch Hiệp hội thẳng thắn chỉ rõ, cách đây 6 năm, Luật Đầu tư năm 2005 được ban hành với kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý Nhà nước chặt chẽ. Tiếc thay, trên thực tế cả hai mục tiêu này đều không “tới đích”. Bản thân Luật Đầu tư đã ôm đồm quá nhiều đối tượng khác nhau, hoàn toàn không cùng chung một con đường, một hướng đi cũng như đích đến, vì thế không thể chịu chung một khung điều chỉnh của pháp luật.

Một luật sư nhận định, Luật đã tạo ra rào cản các nhà đầu tư, trong khi lại không thể đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư. Theo báo cáo của Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ngoài sự chồng chéo, trùng lặp còn xảy ra tình trạng không tương thích, thậm chí mâu thuẫn với luật chuyên ngành dẫn đến trường hợp như trong thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, nếu thực hiện theo Luật Đầu tư thì sẽ “đá” Luật Môi trường và ngược lại.

Thế nên, để cho dự án trót lọt, đa số các địa phương đành chọn cách “xé rào” Luật Môi trường. Thật là trớ trêu, Luật được ban hành, đi vào cuộc sống mà lại bó tay “ngồi nhìn” những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn như trường hợp “lách luật” để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án mà lẽ ra là đàng hoàng. Thực ra, trong quá trình áp dụng Luật Đầu tư, không ít ý kiến đã nhận thấy rằng, phạm vi điều chỉnh hoạt động đầu tư và kinh doanh của Luật Đầu tư đã “chồng lấn” lên Luật Doanh nghiệp. Nguyên nhân là do sự nhầm lẫn khi tách biệt hoạt động thành lập doanh nghiệp để kinh doanh và hoạt động đăng ký, thẩm tra thành lập doanh nghiệp để đầu tư. Luật Đầu tư “đẻ” ra quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời cũng là giấy chứng nhận đầu tư. Đây là thứ giấy không có ở bất cứ nước nào khiến cho Luật Doanh nghiệp bị vô hiệu hóa.

Nói ngắn gọn, giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, đã đến lúc phải điều chỉnh Luật Đầu tư. Cái gì đã để trong luật chuyên ngành thì không nên “bê” vào luật chung. Cái gì đã để ở luật chung thì không nên “bê” vào luật chuyên ngành, có như vậy luật mới không bị bó tay trước thực tiễn.