Luật Cảnh sát cơ động góp phần xây dựng vững chắc thế trận an ninh nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến và dự kiến thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Bổ sung nhiều quy định mới

Dự thảo Luật CSCĐ quy định cụ thể về quyền hạn của CSCĐ, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn gồm: Được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi nguy hiểm sử dụng vũ khí, bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; Ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh nhiệm vụ đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lực lượng Cảnh sát cơ động còn được huy động tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân trong các tình huống khẩn cấp

Bên cạnh nhiệm vụ đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lực lượng Cảnh sát cơ động còn được huy động tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân trong các tình huống khẩn cấp

Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng các quy định quyền hạn của CSCĐ tại dự thảo Luật trên cơ sở rà soát các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống khủng bố… đảm bảo chặt chẽ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ. Dự thảo Luật cũng quy định, CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự trong các trường hợp: Chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi nguy hiểm sử dụng vũ khí; Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự.

Pháp luật hiện hành chưa quy định CSCĐ là đối tượng được mang vũ khí lên máy bay trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ tác chiến mà vẫn phải ký gửi hành lý theo quy định. Với những trường hợp cần cơ động nhanh lực lượng cùng các loại vũ khí, trang bị bằng đường hàng không để kịp thời giải quyết vụ việc thì sẽ không đảm bảo vì thời gian làm thủ tục ký gửi và nhận hành lý rất lâu.

Do vậy, việc quy định CSCĐ được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên máy bay dân sự như tại dự thảo Luật là phù hợp với yêu cầu tác chiến, tính cơ động nhanh của CSCĐ trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, CSCĐ được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa; bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng.

Dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Sau kỳ họp, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ, tập trung nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, nhiều nội dung của dự thảo luật đã được chỉnh lý hoàn thiện, cụ thể, rõ ràng hơn so với dự thảo trình lần thứ nhất. Dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã chỉnh lý, bổ sung có 5 chương và 33 điều. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bỏ 1 điều, bổ sung 3 điều, chỉnh lý nội dung và kỹ thuật lập pháp 23 điều.

Hiện nay, việc quản lý điều hành, giám sát hoạt động bay đang được giao cho Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, nhưng chưa có quy định các hành vi vi phạm và các biện pháp xử lý đối với máy bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa nhưng chưa có quy định đối với phương tiện bay không người lái. Đồng thời, pháp luật hiện hành cũng quy định khoảng cách từ máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực bảo vệ mục tiêu của Bộ Công an theo chiều ngang không nhỏ hơn 500m ở mọi độ cao.

Do vậy, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho CSCĐ trong việc chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong trường hợp các phương tiện này trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu được giao vũ trang, canh gác bảo vệ, dự thảo đã quy định thẩm quyền này cho CSCĐ.

Dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ thẩm quyền huy động của CSCĐ chỉ trong trường hợp cấp bách khi thực hiện các nhiệm vụ chính và do CSCĐ chủ trì như chống khủng bố, giải cứu con tin, chống biểu tình, bạo loạn, bảo vệ mục tiêu, tuần tra, kiểm soát nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có thể xảy ra. Quy định này cũng phù hợp với quy định về thẩm quyền huy động của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được quy định tại khoản 16, Điều 16 Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh vệ 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018, Luật Biên phòng Việt Nam 2020.

Lực lượng CSCĐ kỵ binh tham gia bảo vệ các hoạt động lớn của đất nước

Lực lượng CSCĐ kỵ binh tham gia bảo vệ các hoạt động lớn của đất nước

Ban hành Luật CSCĐ là cấp thiết

Việc xây dựng dự án Luật CSCĐ xuất phát từ cơ sở chính trị và thực tiễn, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ trong tình hình mới.

Theo Trung tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thực tế yêu cầu đảm bảo ANTT, bảo vệ an ninh Tổ quốc từ sớm, từ xa, nên việc nâng Pháp lệnh CSCĐ lên thành Luật CSCĐ là hoàn toàn cấp thiết để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đồng thời trang bị cho họ những hành lang pháp lý rất rõ ràng, thống nhất với các quy định pháp luật khác, bảo đảm việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Luật CSCĐ cơ bản dựa trên Pháp lệnh CSCĐ, song có điểm mới như xác định rõ vị trí chức năng của lực lượng CSCĐ trong hệ thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, một lần nữa khẳng định CSCĐ là lực lượng nòng cốt, sử dụng biện pháp vũ trang để đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định rất rõ về các nhiệm vụ cụ thể và trang bị cho lực lượng CSCĐ vũ khí, phương tiện phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra như: Quy định cho lực lượng CSCĐ được phép sử dụng máy bay trực thăng để phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, làm nhiệm vụ cơ bản trong đấu tranh phòng chống khủng bố và bạo loạn; quy định CSCĐ được tham gia vào các chương trình đào tạo về hợp tác quốc tế.

Theo yêu cầu đặt ra, dự thảo cũng quy định CSCĐ sử dụng vũ trang là nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự, đưa khái niệm lực lượng vũ trang là gì. Đó là cách thức, phương pháp, là sử dụng sức mạnh vật chất và tinh thần, công cụ, vũ khí, vật liệu nổ để thực hiện nhiệm vụ.

Trong lực lượng vũ trang nói chung, khi sử dụng vũ trang, mỗi lực lượng đều có cách thức, phương pháp gắn với nhiệm vụ của mình, gắn với vũ khí, khí tài phương tiện được trang bị để thực thi nhiệm vụ. Điều 9 của dự thảo đã nêu rõ biện pháp vũ trang để giải quyết chủ yếu 2 nhiệm vụ là chống bạo loạn, chống khủng bố, được kết hợp với các biện pháp khác. Quy định như trong dự luật nhằm củng cố rõ ràng hơn về địa vị pháp lý của CSCĐ trong lực lượng Công an nhân dân.

Khi sử dụng biện pháp vũ trang dễ đụng chạm đến quyền, lợi ích của công dân nên cần có hành lang pháp lý để CSCĐ biết giới hạn của việc sử dụng biện pháp vũ trang, người dân cũng hiểu quy định để tôn trọng và giúp đỡ CSCĐ hoàn thành nhiệm vụ. Việc quy định rõ với nhiệm vụ nào, trong thời điểm nào CSCĐ là chủ trì hoặc phối hợp với lực lượng khác sẽ tạo ra sự thống nhất trong hoạt động giữa các lực lượng, tránh việc chồng chéo hay bỏ lọt địa bàn.

Luật CSCĐ được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ những khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành về CSCĐ và là cơ sở pháp lý vững chắc để CSCĐ thực hiện tốt chức năng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, Luật cũng đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ chiến sỹ CSCĐ để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, việc luật hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp; quy định cụ thể việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phù hợp với đặc thù của lực lượng…

Có thể nói, việc xây dựng Luật CSCĐ là một bước quan trọng để thể chế hóa chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, an ninh nói chung; pháp luật về tổ chức, hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng nhằm xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Khi được Quốc hội thông qua, Luật CSCĐ sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập và đối ngoại của đất nước.

Cảnh sát cơ động được giao huấn luyện chống khủng bố

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo về Dự án Luật CSCĐ tại trước Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo về Dự án Luật CSCĐ tại trước Quốc hội

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CSCĐ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, quy định nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát của CSCĐ là kế thừa khoản 3, Điều 7 Pháp lệnh CSCĐ và đã phát huy hiệu quả trong bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước. Đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý, trấn áp kịp thời mà lực lượng tuần tra, kiểm soát không đủ điều kiện xử lý hiệu quả thì được phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

Quy định về thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự nhằm bảo đảm các điều kiện để CSCĐ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các trường hợp cấp bách, do đó dự thảo Luật chỉ quy định CSCĐ được huy động khi thực hiện các nhiệm vụ do CSCĐ chủ trì thực hiện, quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật. Đối với nhiệm vụ tham gia, phối hợp phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh thì việc huy động người, phương tiện, thiết bị sẽ do lực lượng chủ trì quyết định.

Về quy định “huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương”, Luật Phòng, chống khủng bố quy định Bộ Công an chủ trì “tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố”. Bộ trưởng Bộ Công an đã giao CSCĐ tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chống khủng bố cho các cơ quan, đơn vị ngoài ngành công an và nhiệm vụ này đã thực hiện có hiệu quả.