Luật Cảnh sát Cơ động chính thức được công bố với hàng loạt quy định mới nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 5-7 Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về một số luật, trong đó có Luật Cảnh sát cơ động với hàng loạt quy định mới liên quan đến quyền hạn của cảnh sát cơ động.

Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương 33 điều, có hiệu lực từ 1-1-2023 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; Bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách đối với CSCĐ; Quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan tổ chức cá nhân đối với CSCĐ….

Đặc biệt, Luật đã bổ sung quyền hạn cho cảnh sát cơ động. Theo đó, CSCĐ được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ…

Bên cạnh đó, CSCĐ còn có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng.

Luật cũng nêu rõ, khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó.

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an làm rõ một số nội dung trong Luật Cảnh sát cơ động

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an làm rõ một số nội dung trong Luật Cảnh sát cơ động

Tại buổi họp báo, phóng viên báo chí đặt câu hỏi: “Trong Luật Cảnh sát cơ động 2022, việc trang bị tàu bay cho CSCĐ sẽ được Chính phủ quy định. Điều này được thực hiện như thế nào, CSCĐ sẽ sử dụng máy bay riêng hay chung với Trung đoàn không quân của CAND”?

Làm rõ nội dung trên, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc trang bị tàu bay cho CSCĐ để đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH, giải quyết các tình huống khẩn cấp trong cứu nạn cứu hộ, thiên tai, tai nạn, vận chuyển trang thiết bị vũ khí nhu yếu phẩm cần thiết…

“Hiện nay ở nhiều nước, CSCĐ sử dụng tàu bay khá phổ biến. Trước đó nội dung này đã được quy định tại Pháp lệnh CSCĐ và Nghị định hướng dẫn. Hiện Bộ Công an đã có thành lập Trung đoàn không quân CAND, định hướng phát triển thành lực lượng hàng không chuyên dụng cho CSCĐ” - Trung tướng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.