Lũ lụt lịch sử tại miền Trung: Đổ lỗi vòng quanh

ANTĐ - Lũ lụt tại các tỉnh miền Trung đã làm 40 người chết và mất tích, hơn 250.000 ngôi nhà bị lũ cuốn, ngập sâu, hàng triệu hộ dân bị ảnh hưởng. Đến sáng 18-11, hàng nghìn hộ dân vẫn còn ngập trong nước lũ.

Rốn lũ miền Trung giờ phải chịu thêm lũ từ thủy điện

Những con số báo cáo “vênh” nhau!

Mặc dù mực nước lũ tại các tỉnh miền Trung vừa qua được nhận định, một số nơi vượt mốc lũ lịch sử năm 1999 không lớn, chỉ từ 0,2-0,4m, nhưng ngập lụt lại diễn ra nghiêm trọng hơn. Theo nhận định, mưa cục bộ, dồn dập cả ngày 15 và sáng    16-11 đã khiến nước lũ lên rất nhanh, người dân trở tay không kịp. “Hiện nay rừng cũng bị phá nhiều nên không giữ được nước khiến nước dồn về các sông nhanh. Một phần nữa do các thủy điện, hồ chứa đầy nước từ cơn bão số 11 phải xả lũ khi mưa lớn làm tốc độ tập trung dòng chảy trên các sông nhanh hơn khiến lũ lên cao”, ông Bùi Đức Long - Trưởng Phòng dự báo thủy văn Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định.

Báo cáo của Văn phòng BCH PCLB Bộ Công Thương cho thấy, lưu lượng nước xả từ các hồ thủy điện khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong đợt lũ vừa qua không đáng kể. 

Cụ thể, báo cáo cho biết tại thời điểm ngày 15-11, khu vực Bắc Trung bộ có 8 hồ chứa thì chỉ có 2 hồ xả nước điều tiết, đó là hồ thủy điện A Lưới xả 134m3/s; hồ Bình Điền xả 296m3/s. Hồ Hương Điền dự kiến xả 360 m3/s. Tại khu vực Tây Nguyên, với 21 hồ thì chỉ có 1 hồ xả là thủy điện Buôn Kuốp xả 36m3/s. Khu vực duyên hải Nam Trung bộ với 14 hồ có 3 hồ xả, gồm hồ Vĩnh Sơn A xả 22m3/s, hồ Vĩnh Sơn C xả 15 m3/s. Riêng thủy điện Sông Ba Hạ, mức xả theo báo cáo cập nhật ngày 15-11 là 500 m3/s. Tuy nhiên, con số này không khớp với con số từ báo cáo của BCĐ PCLB Trung ương. 

Theo báo cáo của BCĐ PCLB Trung ương trong ngày 15-11, nhiều hồ thủy điện đã xả lũ với lưu lượng rất lớn. Cụ thể, thủy điện An Khê (Gia Lai) đã xả lũ với lưu lượng 2.400m3/s từ 17h đến 19h ngày 15-11, và xả với lưu lượng 1.000m3/s từ 6h sáng 16-11. Từ 19h45- 20h30 ngày 15-11, thủy điện Sê San 4 (Gia Lai) xả với lưu lượng 3.682m3/s, từ 6h30 sáng 6-11, xả với lưu lượng 1.149m3/s. Thủy điện Sê San 4A trong tối 15-11, từ 17h-19h cũng xả với lưu lượng 3.369m3/s, và từ 5h sáng 16-11 xả với lưu lượng 2.684m3/s. 

Trong các ngày sau đó, các hồ khu vực miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn, nhưng báo cáo từ Văn phòng BCH PCLB Bộ Công Thương phát đi luôn thấp hơn so với con số từ BCĐ PCLB Trung ương. Cụ thể, cùng vào thời điểm 6h sáng     17-11, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thủy điện Sê San 4A chỉ xả lũ với lưu lượng 777m3/s, nhưng báo cáo của BCĐ PCLB Trung ương là 1.724m3/s. Đến sáng 18-11, vẫn còn 14 hồ thủy điện tại đây đang xả, trong đó thủy điện sông Tranh 2 là 1.688m3/s, sông Ba Hạ 1.200m3/s; Yaly 800m3/s;  Sê San 4A 1.182m3/s.

Dân cơ cực trong lũ

Trong khi đó, ông Đồng Văn Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho rằng lũ lớn ở Nam Trung bộ trong những ngày vừa qua là do mưa quá lớn. Hiện nay, các hồ chứa thủy điện ở khu vực Nam Trung bộ đang thiếu nước, lượng nước tích trong hồ mới chỉ đạt 40%-60% dung tích; có nơi hồ chứa còn chưa tích đủ nước để xả. “Cũng có một số hồ thủy điện trong khu vực xả lũ nhưng đều xả có kế hoạch để cắt lũ, chứ không phải xả cấp tập, vì vậy việc xả nước của những hồ thủy điện không ảnh hưởng gì nhiều đến tình trạng lũ lụt kinh hoàng tại khu vực này”.

Không đồng tình với báo cáo từ các Bộ, ngành, đại diện nhiều địa phương đều cho rằng, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung vừa qua là có sự “góp sức” của thủy điện ồ ạt xả lũ. Tại cuộc họp với các ngành ngày 17-11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định    Hồ Quốc Dũng đã lên tiếng: “Những năm gần đây, ở miền Trung hễ có mưa là có lũ lớn và rất lớn. Do đó, Bộ NN&PTNT phải tham gia để đánh giá vì sao chuyện đó xảy ra, chứ bây giờ chẳng ai nói được hết. Hễ có lũ lớn, ông thì đổ cho thủy điện, ông đổ cho thủy lợi, ông thì đổ mưa to, ông thì đổ do phá rừng, đủ thứ, cuối cùng không biết đổ đâu thì nói là do biến đổi khí hậu. Nếu cứ để thế này thì đời sống của người miền Trung ngàn đời nữa còn cơ cực, không cách chi mà ngóc đầu lên nổi”. 

Đành rằng, theo cách nói của Bộ Công Thương cũng như Bộ NN&PTNT, trước khi xả lũ, các hồ đều có cảnh báo đến chính quyền cũng như người dân địa phương, nhưng đồng loạt, các hồ ồ ạt xả với lưu lượng lớn, cấp tập trong thời gian ngắn, dân nào chạy kịp? Cũng báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, có đến 21 hồ thủy điện (chiếm gần 50%) xả lũ trong những ngày qua, thủy điện có vô can như nhận định của Bộ Công Thương?