"Lời ru buồn" mang tên lá ngón

ANTĐ - Chỉ trong 3 năm, tại Lai Châu, có hơn 100 vụ tự tử bằng lá ngón, trong đó, 78 người tử vong. Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu, mà 90% trong số đó là đồng bào dân tộc Mông. 
Những nỗi đau mang tên “lá ngón”

Bản Gia Khâu I, xã Nậm Loỏng cách trung tâm TP.Lai Châu chưa đầy 3km, nhưng thời gian gần đây có đến 3 người chết, được xác định là do tự tử. “Kẻ tiếp tay” cho những cái chết đó là lá ngón, một loài cây dại có độc tố cực cao. Nhiều nơi gọi nó là cây đoạn trường thảo. Loài cây này là nguyên nhân cướp đi sự bình yên của các bản làng; ngấm ngầm giết chết hạnh phúc của bao gia đình.

Đã gần 3 tháng nay, ngôi nhà của 4 cha con anh Thào A Xỷ ở bản Gia Khâu I lạnh lẽo, âm u vì bị bỏ trống. Sau cái chết tức tưởi của người vợ trẻ 20 tuổi, ông bố cũng mới chỉ 22 tuổi đành đưa 3 đứa con trai về sống cùng ông bà nội cho đỡ hiu quạnh và cũng để có người chăm sóc lũ trẻ. Ba đứa bé, mỗi đứa cách nhau 1 tuổi; đứa lớn nhất 5 tuổi, đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Ở cái tuổi đó, trong ánh mắt ngây thơ và trong sáng của chúng, không thể biết vì sao mẹ lại bỏ các em đi sớm như thế.

"Lời ru buồn" mang tên lá ngón ảnh 1
Chỉ cần 3 lá ngón có thể giết chết 1 mạng người


Chúng tôi đến nhà tâm sự hồi lâu, người đàn ông dân tộc Mông, Thào A Xỷ mới mở lời chia sẻ: “Vì nhà nghèo nên bố mẹ cho lập gia đình sớm. Vợ là Sùng Thị Dia, nhà bố mẹ nó ở sát vách nhà mình. Hai vợ chồng lấy nhau đến nay đã được 7 năm và có với nhau 3 mặt con rồi. Sự việc xảy ra vào một buổi trưa cuối năm. Tôi đi chợ phiên mua được ít thịt ngon nên gọi bố vợ đến uống rượu. Sau cuộc rươu, thấy đói nên tôi bảo vợ đi mua phở về ăn. Lúc về nó bảo không có phở nên mua mì tôm. Nghĩ vợ tiếc tiền, sẵn hơi men trong người tôi đá bay đĩa thịt, chửi nó vài câu. Thế mà nó vào rừng ăn lá ngón. Khi nó về, bảo là đã ăn lá ngón thì không cứu được nữa”.

Cách nhà Xỷ không xa có 3 đứa con mồ côi... Vừa tròn hai tháng, mẹ các em là Thào Thị Dê tìm đến lá ngón để cứu rỗi bản thân khỏi sự buồn chán bởi chồng chết, kinh tế gia đình túng quẫn. Giờ đây, gánh nặng dồn lên vai người anh cả Chang A Sang, 22 tuổi. Vừa làm bố, vừa làm mẹ nuôi hai đứa em; một trai là Chang A Do, 6 tuổi, một gái là Chang Thị Dở, 8 tuổi. Cả hai đứa nhỏ đều là học sinh giỏi ở trường. 

Nói về khó khăn của mình, Chang A Sang cho biết: “Trước đây, kinh tế gia đình đã khó khăn. Từ khi mẹ mất, càng khó khăn hơn. Chẳng biết em có thể nuôi cho 2 đứa nó ăn học đến khi nào nữa. Thôi thì cố được ngày nào hay ngày nấy. Chỉ tiếc, hai đứa em ham học lắm!" 

"Lời ru buồn" mang tên lá ngón ảnh 2
4 cha con anh Thào A Xỷ trong căn nhà lạnh lẽo


Chẳng cần hỏi chúng tôi cũng có thể hiểu hoàn cảnh hiện tại của anh em. Căn nhà gỗ trống huếch, trống hoác. Tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài 3 tấm gỗ kê thành “giường” ngủ và...2 cái nồi nhỏ dùng để nấu cơm. “Bữa cơm” theo đúng nghĩa đen của nó là cơm và...muối trắng. Em Dở rưng rưng nước mắt: “Khi mẹ còn sống, trong bữa ăn của bọn em thỉnh thoảng còn có bữa rau, bữa thịt. Mẹ mất rồi, có cơm như thế này ăn là may mắn lắm!”.

Số người chết vì tự tử bằng lá ngón vẫn tiếp tục gia tăng

Dựa theo thông tin do Công an tỉnh Lai Châu cung cấp, thời gian gần đây, số vụ tự tử và số người bị chết do tự tử bằng lá ngón vẫn tiếp tục gia tăng. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Lai Châu, chỉ tính riêng 3 năm từ 2011 đến hết năm 2013 có 67 người chết do tự tử bằng lá ngón. Trong đó, năm 2011 có 16 người chết; năm 2012 có 23 người chết; năm 2013 có 28 người chết.

Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2014, đã xảy ra 9 vụ làm khiến 11 người chết vì ăn lá ngón tự tử. Mặc dù, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền về tác hại của loài cây này nhưng số vụ tự tử và số người chết bằng lá ngón vẫn tăng dần qua các năm. Con số này quả thực đáng báo động. 

Về vấn đề này, Trung tá Trần Mạnh Hùng - Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Lai Châu cho biết: "Qua thực tế điều tra các vụ án mạng liên quan đến tự tử bằng lá ngón có muôn vàn lý do nhưng tựu trung lại tất cả đều xuất phát từ những lý do đơn giản đến khó hiểu. Yêu nhau mà bị ngăn cấm là tìm đến lá ngón; vợ chồng giận nhau, cãi nhau cũng tìm đến lá ngón; kinh tế khó khăn cũng tìm đến lá ngón; bố mẹ không cho đi xem phim, không cho đi chơi chợ hay không cho lấy vợ cũng tìm đến lá ngón. Thậm chí, đi giữ trâu không may để lạc chưa tìm được cũng tìm đến lá ngón....già tìm đến lá ngón, trẻ cũng tìm đến lá ngón. Nữ tìm lá ngón, nam cũng tìm đến lá ngón..."

"Lời ru buồn" mang tên lá ngón ảnh 3
3 anh em Chang A Sang sống trong cảnh côi cút vì mẹ ăn lá ngón tự tử


Lý giải về điều này, Trung tá Trần Đức Thành - Đội xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho biết: "Đối tượng trong những vụ tự tử này thường là đồng bào dân tộc thiểu số có nhận thức còn hạn chế. Đặc điểm của họ là có tính cách bộc trực, thẳng thắn, lòng tự trọng cao. Chính vì vậy, chỉ vì những mâu thuẫn rất đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày trong gia đình giữa vợ - chồng, anh - em, con cái - bố mẹ; mâu thuẫn trong quan hệ xã hội như tình ái, tranh chấp nguồn nước, nương rẫy...dẫn đến tranh cãi. Từ những mâu thuẫn nhỏ, không giải quyết được dẫn tới việc tìm đến lá ngón để giải quyết.

Vẫn chưa có hồi kết

Ở một tỉnh miền núi như Lai Châu, không khó để tìm ra loài cây này. Nó mọc khắp các bản làng. Từ trong rừng, trên nương, ven đường cho đến tận vách nhà. Đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rất rõ độc tố của loại cây dại này: "Chỉ cần 3 lá ngón có thể giết chết một mạng người; một cây lá ngón là đủ giết chết cả bản". Loài cây này mọc lên nhanh sau những ngày mưa. Đã có nhiều nơi, chính quyền đã vận động bà con nhân dân đi phá nhổ, đào tận gốc loài cây này. Nhưng càng đào, rễ cây đứt ra lại mọc càng nhanh và mạnh. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng này, điều duy nhất là phải thay đổi được nhận thức của người dân. 

Về tác hại của loài cây này, ai cũng biết. Lực lượng công an cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền, vận động. Ừ thì, lúc nghe cũng thấy sợ đấy! Nhưng lúc buồn chán, bực tức là quên hết và chạy đi tìm lá ngón để "giải quyết". Vậy nên, để giải được bài toán này thì còn nhiều điều phải bàn. Trong thời gian để thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này thì có lẽ đâu đó trong các bản làng, các gia đình còn phải nghe nhiều lắm "lời ru buồn" mang tên...lá ngón.