Lời nói cắt đứt nghĩa tình

ANTĐ - “Không biết nói ngọt, tính thẳng ruột ngựa” là lý do mà không ít ông chồng biện minh cho hành động thô lỗ, lời nói cục cằn, tàn nhẫn với vợ. Họ ít khi nhận ra rằng, lời nói không cắt da cắt thịt nhưng lại có thể cắt đứt nghĩa tình. 

Dùi đục-mắm tôm

Anh Nguyễn Văn Tân (ở Liễu Giai, quận Ba Đình) nổi tiếng trong xóm là chồng đảm. Anh có thể dậy từ 6h sáng đi chợ, đưa con đi học, chiều về đón con, nấu cơm khi vợ về muộn. Khi khu tập thể mất nước, anh nhẫn nại đi xin 6-7 gánh nước, đưa lên tận tầng 5 để vợ con không “đứt bữa tắm”. Nhưng gia đình anh cũng là tâm điểm của sự ồn ào. Lý do là tại cái tính nóng nảy, thô lỗ của anh. Chẳng mấy khi anh nói được câu nhẹ nhàng với vợ. Vợ đi làm về muộn, hàng xóm đã nghe anh gióng giả: “Đú với thằng nào mà giờ mới về”. Chị nấu canh mặn, anh quát: “Đàn bà như cô đúng là đồ vứt đi”. Vợ lầm bầm cãi lại, thế là mâm bát bay vèo ra sân. Lần khác, anh loay hoay sửa cái tivi trục trặc nửa ngày chưa xong, mồ hôi mồ kê, đã thế còn quát nạt con mang cái này, bê cái kia cho bố, vừa làm vừa văng tục tứ tung. Thấy vậy, vợ anh nhỏ nhẹ: “Anh mang ra hàng đi không lại lợn lành thành lợn què”, lập tức chiếc tivi nát luôn. Vợ anh trách móc thì anh nổi khùng: “Mày im miệng không tao cho mặt mày nát hơn đấy”. Hàng xóm sang can ngăn thì anh Tân lại xoa đầu, cười bẽn lẽn: “Em nóng tính, cứ lên cơn là đầu óc mờ mịt, không nghĩ được gì. Chứ em chẳng để bụng đâu”. 

Anh Đặng Hoa Nam (trú tại quận Thanh Xuân) không chỉ hay văng tục với vợ mà còn mắc bệnh “dìm hàng”. Cậy mình nhà giàu, dân phố, anh thường mang đặc điểm “nhà quê” của vợ ra để chê bai. Lúc vui vẻ, anh thường bảo con: “Nếu không có bố cứu vớt thì mẹ con đang gánh phân ở đồng”. Vợ mặc váy mới, anh cũng vui miệng bảo: “Trông như vịt mặc áo tơi”. Đang xem ti vi mà vợ gọi ra ăn cơm, anh văng luôn: “Đ.m, gọi gì mà lắm thế”… Vợ anh bưng cơm lên miệng mà nước mắt lưng tròng. 

Những ông chồng cục cằn, thô lỗ này thường xuê xoa: “Mắc bệnh nóng tính chứ vẫn yêu thương, quan tâm, chăm lo cho gia đình, bao nhiêu tiền vẫn đem hết về cho vợ. Từ hồi còn yêu nhau, cô ấy đã biết tính tôi nóng. Vợ chồng hiểu tính nhau cần phải biết bỏ qua”. “Vợ chồng sống với nhau cần gì phải màu mè”, “Tính tôi nóng nảy, vợ tôi cũng hiểu”. Nhưng hiểu và yêu thương, tôn trọng không phải lúc nào cũng song hành với nhau.

Virus đầu độc yêu thương

Lúc đầu, chị Hoan – vợ anh Tân, còn thấy sợ hãi trước những cơn thịnh nộ của chồng. “Tôi có cảm giác như mình sắp sửa bị tan nát trước sự vũ phu, cục cằn của anh ấy. Nhưng anh ấy cũng không đánh, mà chỉ lúc sau lại chằm bặp vợ, cười với con, đến đêm lại ôm vợ bình thường. Thú thật, lúc đó, vì để tránh một cơn thịnh nộ nữa của chồng mà tôi để yên cho anh ấy âu yếm. Nhưng cơ thể tôi lạnh lẽo như trái tim của tôi vậy. Làm sao tôi có thể yêu thương khi nhớ lại đôi mắt vằn máu nhìn mình. Làm sao tôi có thể say mê khi trong đầu vẫn còn văng vẳng lời nói thô bỉ, cục súc của anh ấy? Tôi cũng xấu hổ với hàng xóm, lo lắng cho các con. Tôi mất sự yêu thương, mất đi sự kính trọng.  Mặc dù, tôi vẫn hiểu anh ấy không quá tệ, vẫn chăm lo cho gia đình...”. 

Đến lúc chị đưa đơn ly hôn, gia đình nhà chồng và bạn bè vẫn cho rằng: “Anh chỉ có mỗi tội nóng tính còn chị là người sướng không biết đường sướng”.

Anh Nam sẽ vẫn giữ kiểu cách ăn nói cục cằn với vợ, nếu một ngày không bắt gặp cậu con trai 4 tuổi của mình nói với mẹ: “Đã bảo lấy sữa cơ mà. Ăn mặc như con điên mà cứ thích ngắm”. Người mẹ sững người, quay phắt lại, đưa tay lên định tát con. Nhưng nghĩ thế nào, chị quay đi, nước mắt lưng tròng. Anh Nam cũng cứng họng, vì con trai đã nói đúng những lời mà anh đã nói với vợ. 

Bà Nguyễn Thu Thúy (chuyên viên Trung tâm nghiên cứu khoa học giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên CSAGA), cho biết, bạo hành tinh thần chiếm một tỷ lệ lớn trong các gia đình ở Việt Nam. Không chỉ những người vợ bị chồng đánh, hắt hủi, phản bội mới chịu đựng sự mất mát và đau đớn. Nhiều người vợ sống trong gia đình tiện nghi, có chồng con đầy đủ nhưng lại âm thầm giày vò vì bị lấy mất lòng tự trọng. Chồng họ tuy vẫn chăm sóc vợ con, kiếm tiền về cho gia đình, không phản bội, không đánh vợ, nhưng lại luôn nói những lời thô lỗ, cục súc và thiếu tôn trọng vợ. Những điều đó sẽ phá hủy tình cảm của người vợ dành cho chồng.

Thậm chí, nhiều người vợ khi bị chồng coi thường còn cảm thấy cuộc sống của mình vô nghĩa, bản thân vô giá trị, buồn chán, ốm yếu đến mức muốn tự tử. “Hôn nhân không phải cái hộp nhốt tình yêu. Những lời nói, thái độ cục cằn chính là những virus độc hại phá hủy tình yêu từ bên trong. Nếu không sớm nhận thức và thay đổi hành vi, lời nói thì sẽ đến lúc hôn nhân chỉ còn cái vỏ trống rỗng” – bà Thúy cho biết.

Sự thiếu văn hoá, thái độ thiếu tôn trọng của người chồng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến con cái. Có đứa sẽ bài xích cha, không nghe lời cha dạy bảo. Có đứa con sẽ học tính cục cằn, đối xử với mẹ thiếu tôn kính, tự cho mình quyền áp đặt, cư xử thiếu tôn trọng phụ nữ và mọi người. Ngoài ra, người phụ nữ không nên nín nhịn, xuê xoa khi chồng xin lỗi mà ngay từ đầu, cần bày tỏ thái độ và nói chuyện nghiêm túc để người chồng hiểu được hậu quả của những lời nói “gió bay”.