Lockheed Martin tung video quảng cáo "sát thủ" LRASM Mỹ diệt tuần dương hạm vạn tấn Nga

ANTD.VN - Hãng sản xuất Lockheed Martin của Mỹ vừa tung video quảng cáo phóng tên lửa chống hạm tầm xa thế hệ mới LRASM tiêu diệt siêu tuần dương hạm hàng vạn tấn của Nga. 

Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin mới đây đã phát hành một video quảng cáo những tính năng đầy triển vọng của tên lửa hành trình chống hạm thế hệ mới GM-158C LRASM (“Long Range Anti-Ship Missile”, nghĩa là “Tên lửa chống hạm tầm xa”).

Video clip cho thấy tên lửa được phóng đi từ các chiến hạm lớp Aegis và máy bay chiến đấu hải quân thuộc dòng F/A-18 E/F Super Hornet, khéo léo tránh radar và hệ thống phòng không của nhóm hải quân Nga, lựa chọn mục tiêu tấn công quan trọng nhất là tuần dương hạm và đánh chìm tàu này.

Theo phân tích của các chuyên gia, mục tiêu trong đoạn quảng cáo đó là tuần dương hạm tên lửa thuộc Đề án (Project) 1164 lớp Atlant (NATO định danh thuộc lớp Salva) của Nga, có lượng giãn nước khoảng 11.500 tấn. Đây cũng là tuần dương hạm động cơ thông thường lớn nhất thế giới.

Các tàu này được trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu âm tầm xa P-500 Bazalt (NATO gọi là SS-N-12 Sandbox) có tầm bắn 550km và 64 quả tên lửa hạm đối không tầm xa S-300F (SA-N-6 Grumble) - phiên bản trên hạm của tên lửa S-300 phóng từ mặt đất, có phạm vi phòng không 150km.

Tên lửa chống hạm tầm xa thế hệ mới LRASM của Mỹ có uy lực rất mạnh

Hiện nay, trong biên chế của Hải quân Nga đang có ba tuần dương hạm lớp này và đều đang là kỳ hạm của 3 hạm đội Hải quân Nga. Tàu Moskva (số hiệu 121) là kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen, chiếc Varyag (011) là tàu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương và soái hạm của Hạm đội Phương Bắc (Hạm đội Biển Bắc) là Marshal Ustinov (055).

Về phía quân đội Mỹ, lựa chọn về vũ khí chống hạm trong nhiều thập kỉ qua luôn là tên lửa dòng Harpoon do hãng Boeing sản xuất. Tuy nhiên, điều này sắp sửa thay đổi do sự xuất hiện của Tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) của đối thủ cạnh tranh Lockheed Martin.

LRASM là tên lửa được phát triển dựa theo nguyên mẫu tên lửa không đối đất JASSM, hay còn gọi là “sát thủ diệt khủng bố” nhờ khả xuyên phá boong-ke. Nó có khá nhiều điểm chung với những tên lửa chống hạm thế hệ trước, nhưng vượt trội ở khả năng tự dẫn và tầm phóng.

LRASM được ví như là một “vật thể bay thông minh”, có khả năng “tàng hình” trước radar, cùng với khả năng bay hành trình đoạn cuối ở độ cao sát mặt biển. Nó có phạm vi tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa tới 370km (so với 130km của Harpoon).

Cận cảnh tên lửa chống hạm phóng từ máy bay AGM-158C LRASM

Với tầm bắn 370km, LRASM có thể tấn công chính xác các mục tiêu tàu nổi trên mặt biển khi mà máy bay như F/A-18 hay B-1B vẫn ở ngoài tầm phòng không của các tàu chiến Nga, Trung Quốc hiện chỉ có phạm vi phòng không tối đa dưới 200km.

Tên lửa LRASM được trang bị đầu đạn nặng 453 kg đủ sức nhấn chìm các chiến hạm mặt nước có lượng giãn nước trên vạn tấn như tuần dương hạm lớp Atlant của Nga, khu trục hạm khoảng 8.000 tấn Type 052D của Trung Quốc và đánh thiệt hại nặng các tàu sân bay cỡ lớn.

Trước đây, hải quân Mỹ được cho là đã tích hợp các tên lửa chống hạm có thể lắp trên nhiều phương tiện phóng này lên các máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer.

Theo kế hoạch, trước khi kết thúc năm 2019, hải quân Mỹ sẽ trang bị LRASM cho các tàu chiến Aegis, gồm có khu trục hạm lớp Arghlei Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga, cùng với những chiếc tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến trên biển.

Xem clip quảng cáo LRASM diệt chiến hạm Nga của hãng Lockheed Martin: