Lo ngại môi trường kinh doanh

ANTĐ - Ngày 29-5, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề: “Từ ổn định tới phục hồi kinh tế” được Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức.

Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Ảnh minh hoạ


Kinh tế vĩ mô được cải thiện

Đánh giá về tình hình kinh tế trong giai đoạn hiện nay, trong bài phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng 

Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, các yếu  tố về tăng trưởng, lạm phát và bội chi ngân  sách đều được đảm bảo như mục tiêu đề ra. 

“Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức như tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao,  dư nợ tín dụng giảm mạnh. Khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực ngưng trệ, hàng tồn kho lớn. Số doanh nghiệp bị giải thể gia tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản. Việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn...” - Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết khó khăn hiện tại, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhưng không làm lạm phát quay trở lại và không làm bất ổn kinh tế vĩ mô.

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng: “Một trong những thành công nổi bật nhất của Chính phủ năm 2011 và đầu năm 2012 là sự ổn định đồng tiền sau giai đoạn bị mất giá năm ngoái. Ngoài ra, mức lạm phát hàng năm đang có chiều hướng giảm, và được kỳ vọng đạt mức một con số vào cuối quý II-2012. Tính thanh khoản của các ngân hàng trong nước đã được cải thiện. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đã tăng lên. Chính phủ đã duy trì được lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng trong thời gian khó khăn vừa qua. Nhìn chung kinh tế vĩ mô được cải thiện đáng kể”.

Còn nhiều tác động tiêu cực

Mặc dù đạt được những thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng theo đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế, môi trường kinh doanh tại Việt Nam cần tiếp tục cải thiện. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn vốn từ các nhà đầu tư không còn dư dả như trước.

 

Ông Tony Foster - Trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng đưa ra ví dụ: “Đầu tư vào ngành điện đang mất dần lợi thế. Các dự án liên quan đến năng lượng của Việt Nam nếu không đảm bảo mức lợi nhuận chấp nhận được thì không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, tài trợ nước ngoài. Họ cũng rất lo ngại về chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu không ban hành cơ chế biểu giá khuyến khích cho từng nguồn năng lượng cụ thể, trong đó nêu rõ chi phí kèm theo mức lợi nhuận kinh tế hợp lý cho nhà đầu tư, thì ngành năng lượng Việt Nam sẽ dần “hụt hơi”.

Ông Preben Hjortlund thẳng thắn: “Nhà đầu tư tiếp tục lo ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, trong ngắn hạn. Cùng với tỷ lệ lạm phát cao và sự sụt giảm FDI trong thời gian gần đây, công bằng mà nói, các doanh nghiệp châu Âu vẫn đang quan ngại về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”. 

Sự khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, một loạt vấn đề mới liên quan đến tiếp cận thị trường gây ảnh hưởng đáng kể đến việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đã tiếp tục tác động tiêu cực đến nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Theo bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, tăng trưởng của Việt Nam đang trong xu hướng sụt giảm so với 5-6 năm qua và nền kinh tế cũng thiếu tính hiệu quả cũng như năng suất cao để phục hồi tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được điều này và công bố kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế.