Lơ mơ về rau an toàn

ANTĐ - Cuộc điều tra mới đây của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) về rau an toàn (RAT) cho thấy có hơn 90% người dân được hỏi không nhận biết được rau an toàn và rau không an toàn bằng mắt thường. Rau an toàn được nhận biết chủ yếu nhờ vào điểm bán và việc dán tem với những tiêu chí thiếu rõ ràng.

Nhu cầu tiêu dùng rau an toàn ngày càng cao

Vinastas cho biết, kết quả điều tra ý kiến người tiêu dùng về RAT và rau hữu cơ tại 6 tỉnh, thành phố phía Bắc được thực hiện từ năm 2011-2013 cho thấy, gần 90% nhận thức RAT có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cũng có đến hơn 90% không nhận biết được RAT và rau không an toàn bằng mắt thường. “Nhiều người tiêu dùng vẫn bị nhầm lẫn giữa rau sạch và RAT, khi cho rằng, rau xanh, rau tươi không bị sâu là RAT. Đây là cách hiểu không có cơ sở vì không ít trường hợp người sản xuất đã phun thuốc bảo vệ thực vật, chưa đủ thời gian thuốc phân hủy đã thu hoạch, bán ra để làm đẹp rau, cho bắt mắt người mua” - lãnh đạo Vinastas cho hay. Không những vậy, người tiêu dùng cũng chưa được tiếp cận với thông tin địa điểm bán RAT... 

Khi được hỏi về cách phân biệt RAT và rau không an toàn, chị Mai (Láng Thượng - Đống Đa) cho biết: “Rau treo biển an toàn, có tem nhãn, cơ sở sản xuất, địa chỉ đầy đủ tại các siêu thị là RAT. Tôi cũng thấy một số điểm bán RAT khác nhưng chưa mua thử bao giờ”. Chị Mai cũng giống không ít người tiêu dùng khác chỉ phân biệt được RAT theo nơi bán và thông tin ghi trên mẫu mã bao bì. Còn thực tế, chất lượng rau ra sao, có an toàn thực sự không, có bị trà trộn rau không đạt tiêu chuẩn không thì chưa kiểm chứng được. Thậm chí, RAT được nhận biết là “lá có thể bị sâu” khi phân biệt bằng mắt thường. Thực tế này khiến có tình trạng người bán rau chưa được kiểm nghiệm chất lượng tại nhiều chợ bỏ sâu vào rau để chứng minh an toàn! Người tiêu dùng đang bị thiếu thông tin về nguồn gốc, phương thức, quy trình sản xuất RAT tại các vùng đang áp dụng, dẫn đến chưa quan tâm đúng mức đến RAT. Điều này lại tác động ngược trở lại tới việc mở rộng sản xuất RAT để phục vụ người dân.

Năm 2008, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chuẩn VietGAP cho rau an toàn nhưng đến năm 2011, diện tích sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP và theo hướng VietGAP mới dừng ở 820ha. Con số này quá khiêm tốn so với nhu cầu RAT ngày càng cao của người tiêu dùng. Theo Vinastas, nguyên nhân VietGAP không phát triển được là do quy trình phức tạp, tốn kém (chi phí chứng nhận lớn), chỉ phù hợp với quy mô sản xuất lớn, hộ sản xuất nhỏ khó đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, chi phí đầu tư và tiêu thụ. Hiện nay, chi phí kiểm nghiệm, chứng nhận đảm bảo RAT còn rất đắt đỏ, gây khó khăn cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng có mô hình sản xuất được RAT nhưng lại không được kiểm nghiệm, chứng nhận, vừa khó khăn đầu ra cho nhà sản xuất, vừa thiếu đảm bảo với người tiêu dùng.  

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tiêu thụ RAT. Thành phố hiện có 58 cửa hàng, điểm bán RAT được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT. Trung bình mỗi ngày tiêu thụ từ 50-120 kg/cửa hàng. Ngoài ra, có 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT, sản lượng tiêu thụ từ 80-200 kg/siêu thị/ngày. Trong năm nay, thành phố có kế hoạch tăng thêm hàng trăm điểm bán RAT tại các quận, huyện, khu đô thị. Điều đó chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ RAT của người dân ngày càng lớn, đòi hỏi việc mở rộng sản xuất, trồng RAT cần được quan tâm phát triển. Từ thực tế này, những tiêu chuẩn, quy chuẩn nhận biết phổ thông cần được cung cấp tới người tiêu dùng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas cho rằng, để mở rộng diện tích gieo trồng RAT cũng như để người tiêu dùng tiêu thụ RAT nhiều hơn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã sản xuất, phát triển, quảng bá RAT, mở rộng diện tích gieo trồng RAT ra nhiều địa phương khác trong cả nước. 

Những sản phẩm rau tươi (bao gồm tất cả các loại rau ăn củ, thân, lá, hoa, quả) có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó, hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, thì được coi là rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gọi tắt là “rau an toàn”.