Lính đảo Trường Sa tăng gia cải thiện

ANTĐ - Nơi đảo xa, giữa mênh mông nước biển chỉ có nắng và gió biển mặn chát, nhưng những vườn rau xanh mướt với tiếng lợn, vịt  kêu ở những khu chăn nuôi tăng gia luôn hiện hữu trên quần đảo Trường Sa. Chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, cũng những bàn tay ấy đã gây dựng nên sức sống cho đảo để minh chứng “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Chiến sĩ đảo Trường Sa Đông chăn nuôi, đảm bảo thực phẩm tươi sống

“Có các anh, đảo thêm xanh mát”

Cách xa đất liền 235 hải lý (khoảng 420km- PV) nhưng đảo Đá Tây không khác đất liền bao nhiêu. Có vườn rau xanh mướt, có khu tăng gia chăn nuôi lợn, gà, vịt nuôi thủy sản với các loại cá cho lợi nhuận kinh tế cao như cá Mú, cá Chẽm, cá Hồng đen… Trung sỹ Phạm Đức Long, đảo Đá Tây chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên phải có biện pháp chăm sóc đặc biệt hơn, hạn chế nước mặn, ánh nắng mặt trời để vườn rau được xanh tốt. Một số biện pháp đặc biệt như che chắn bốn bề, căng bạt, rau được trồng trên những bồn đất cao hơn mặt nước biển. Ngày hai lần tưới nước ngọt vào sáng và chiều tối để bão hòa với vị mặn của nước biển.  “Nước ngọt ở trên đảo khan hiếm nên phải dùng tiết kiệm. Nước tưới rau là nước sinh hoạt hàng ngày, tích chứa vào các bồn.  Ngoài ra, còn có phân bón được gửi từ đất liền ra” - Trung sỹ Phạm Đức Long nói.

Chiến sĩ đảo Đá Tây với vườn rau tăng gia

Đảo Trường Sa Đông là nơi đầu tiên xây dựng mô hình trồng rau xanh tăng gia trên đảo. Nhờ bàn tay chăm sóc của các chiến sỹ, vườn rau trên đảo vẫn xanh mướt với đa dạng chủng loại như bí, bầu, mồng tơi, rau cải, rau muống… Trung úy Vũ Văn Thế, trợ lý hậu cần đảo Trường Sa Đông cho hay, vì điều kiện trên đảo khó khăn nên cấp trên đã đưa ra mô hình trồng rau xanh, tăng gia trên đảo để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày của các chiến sỹ. Đất trồng rau trên đảo được đưa từ đất liền ra, bổ sung mỗi năm một lần. Tuy vậy, Trung úy Vũ Văn Thế cho biết, để rau xanh tốt, công tác chăm sóc đất cũng khá kỳ công, thường xuyên phơi đất, xới đất, bón xơ dừa, phân vì không phải lúc nào cũng bổ sung được đất từ đất liền gửi ra.

Từ năm 2010 tới nay, trên đảo đã tự túc được rau xanh và thực phẩm tươi sống các loại cho bữa ăn, không những vậy còn hỗ trợ cho các tàu cá ngư dân, tàu làm nhiệm vụ lâu ngày qua đảo. Từ tháng 7-2013 đến tháng 4-2014 đảo đã sản xuất được hơn 3 tấn rau xanh, thịt các loại được 1,2 tấn, cá được 1,5 tấn, tổng giá trị sản xuất thu là 150 triệu đồng.

Chiến sĩ đảo Trường Sa Đông chăm sóc những chậu hoa hiếm hoi 

Nuôi đặc sản cá lồng ở Trường Sa

Có mặt ở quần đảo Trường Sa những ngày tháng 5 lặng sóng, những nữ phóng viên như tôi giờ mới được tận mắt thấy đảo Đá Tây thực hiện dự án “Thí điểm nuôi trồng hải sản” của Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân từ tháng 

10-2007. Thiếu tá Đặng Văn Bình, Đội trưởng Đội nuôi trồng hải sản Trường Sa cho tôi hay, hiện, Hải đoàn đang nuôi 8 lồng cá theo công nghệ Na Uy. Qua 7 năm thực hiện, Hải đoàn đã xác định được giống nuôi, từng bước nắm bắt kỹ thuật nuôi các loại như cá Chẽm, cá Hồng đen, cá Mú, cá Giò.

Những ngày đầu, việc nuôi cá cũng gặp không ít khó khăn, khu vực nuôi xa đất liền, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, công nghệ nuôi mới, cán bộ, nhân viên lại chưa được đào tạo chuyên môn về nuôi hải sản. Tuy nhiên, với quyết tâm vừa làm vừa học hỏi rút kinh nghiệm nên việc nuôi cá thí điểm ở đảo Đá Tây đã đạt được những kết quả nhất định. Trong năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, Hải đoàn đã nuôi được gần 5 tấn, trong đó hơn 1,6 tấn cá Chẽm, hơn 2,5 tấn cá Chim trắng… Theo Thiếu tá Đặng Văn Bình, việc thực hiện thành công dự án nuôi trồng hải sản Trường Sa đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho khu vực xa đất liền, tuy có khó khăn nhưng nhiều tiềm năng và góp phần thực hiện mục tiêu dân sự hóa, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, làm tiền đề cho việc thành lập làng chài tại đảo Đá Tây.

Những “vườn treo” giữa biển với rau xanh tươi tốt

Chăm gà vịt như… bệnh nhân

Trên hòn đảo nổi Trường Sa Đông, cây cối xanh mướt như tấm lưới che chắn nắng, gió biển Đông cho các chiến sỹ trên đảo. Khá bất ngờ, đập vào mắt người mới  đặt chân lên đảo là những chậu hoa với đủ sắc màu rực rỡ, những tưởng là khu sinh thái với đủ loại cây cối và hoa màu. Trung sỹ Nguyễn Ngọc Quế chia sẻ, trồng hoa trên đảo khá vất vả, không như trên đất liền, đặc biệt là việc chăm sóc. Hạt giống hoa được gửi từ đất liền ra, sau khi gieo trồng vào chậu phải che phủ bằng bạt, những ngày nắng gắt phải mang vào chỗ râm.

Chiến sỹ Vũ Âu Chi Bảo, phụ trách chăn nuôi Phân đội 1, đảo Trường Sa Đông chia sẻ, hiện anh đang đảm nhận trách nhiệm nuôi 10 con vịt, trong đó 5 con vịt đẻ trứng và 5 con vịt thịt. Bảo cho hay: “Ngày mới phụ trách chăn nuôi em cũng chưa rành lắm, 1 tháng làm chết 1 con gà, 1 con vịt vì ở nhà em chưa bao giờ làm công việc này, nhưng rồi làm nhiều cũng quen, giờ thì em có thể chữa bệnh cho gà, vịt rồi”. Thuốc chữa bệnh cho gà vịt ốm được Bảo “chế” bằng tỏi và rượu, sau đó vừa cho gà, vịt uống vừa xoa bóp. Theo Bảo, việc chăn nuôi gà vịt trên đảo cũng khó khăn hơn vì không có rau xanh cũng như thời tiết khắc nghiệt. Khắc phục việc này, hàng ngày, ngoài thức ăn dư thừa sau mỗi bữa ăn, Bảo còn đi lấy rau sam mọc hoang trên đảo, bắt cá để bổ sung thức ăn cho vịt. Bảo vui vẻ tiết lộ: “Những ngày bắt được cá cho vịt ăn nhiều, vịt đẻ trứng đều và to hơn”.

Năm nào các chiến sỹ trên đảo cũng vượt chỉ tiêu tăng gia 130%. “Điều kiện thời tiết trên đảo khắc nghiệt, chỉ có nắng và gió, nhất là từ Tết Nguyên đán tới nay, trên đảo không có mưa, rau xanh cũng khó phát triển hơn. Nhưng, với quyết tâm của các chiến sỹ thì có sức người - sỏi đá cũng thành cơm. Rau vẫn phát triển, đảm bảo đầy đủ trong các bữa ăn. Đặc biệt, lượng trứng gia cầm cán bộ chiến sỹ trên đảo sử dụng không hết ”, Trung úy Vũ Văn Thế - trợ lý hậu cần đảo Trường Sa Đông mừng vui chia sẻ với nữ phóng viên Báo ANTĐ.