Liệu Afghanistan có trở thành nơi trú ẩn cho các tay súng Hồi giáo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù việc quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan làm gia tăng nguy cơ hoạt động khủng bố, các chuyên gia vẫn cho rằng, Taliban có thể sẽ coi trọng việc theo đuổi sự công nhận của quốc tế đối với quyền lực của họ hơn là chứa chấp các chiến binh.
Trước năm 2001, Taliban chứa chấp các nhóm khủng bố như al-Qaeda

Trước năm 2001, Taliban chứa chấp các nhóm khủng bố như al-Qaeda

Taliban muốn thay đổi

Khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định cuộc chiến ở vùng đất này kết thúc vì đã ngăn được nguy cơ đe dọa an ninh nước Mỹ. “Lợi ích quan trọng nhất của chúng tôi ở Afghanistan vẫn như trước đây, nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ”, ông Biden phát biểu hồi tuần trước. Ông Biden khẳng định rằng, lợi ích này có thể được duy trì mà không cần có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại rằng Afghanistan sẽ lại trở thành “nơi trú ẩn an toàn của khủng bố”.

Trước nguy cơ các nhóm khủng bố có thể tái tổ chức ở Afghanistan, chuyên gia về các nhóm khủng bố Daniel Byman viết trên tờ Foreign Affairs mới đây rằng, Afghanistan khó có thể trở thành căn cứ địa cho các tay súng Hồi giáo quốc tế, ngay cả khi Mỹ rút quân. Ông Byman khẳng định rằng, Taliban đã rút kinh nghiệm từ quá khứ và sẽ hành xử khác.

Chuyên gia về Nam Á Christian Wagner, đến từ Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh Đức (SWP) ở Berlin cũng cho rằng, các tay súng Hồi giáo khó có khả năng tái lập sức mạnh và sự hiện diện trước đây ở lãnh thổ Afghanistan do Taliban cai trị. “Họ không còn muốn trở thành một quốc gia thấp kém nữa và đang cố gắng hướng tới sự công nhận của quốc tế”, ông Christian Wagner nói.

Chuyên gia này chỉ ra rằng, khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, cái gọi là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan chỉ được Pakistan, Ảrập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất công nhận. “Taliban giờ muốn thay đổi điều đó”, Wagner nói. Lực lượng này cũng biết rằng, họ sẽ chỉ được quốc tế công nhận rộng rãi hơn nếu có thể thích ứng về mặt chính trị và đặc biệt là cách họ đối phó với các nhóm chiến binh Hồi giáo quốc tế.

Thế giới dõi theo

Tuy nhiên, quan hệ giữa Taliban và al-Qaeda vẫn khăng khít, theo ông Edmund Fitton-Brown, người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc giám sát IS, al-Qaeda và Taliban. Đáng chú ý, al-Qaeda đã mất đi một phần lớn sức mạnh trước đây, trong khi Taliban và IS là 2 đối thủ không đội trời chung. Theo một báo cáo do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công bố vào tháng 5-2020, IS đã phải chịu những thất bại đáng kể ở Afghanistan, trong đó Taliban đóng vai trò chính.

Các nhóm chiến binh như IS và al-Qaeda cũng có những mục tiêu khác với Taliban, vốn gần như hoàn toàn tập trung vào việc mở rộng sự cai trị ở Afghanistan. Hai nhóm còn lại hoạt động ở cấp độ quốc tế và biên giới không quan trọng đối với họ.

Nhà phân tích Wagner nói rằng, những mục tiêu phân kỳ này ảnh hưởng đến quan hệ giữa IS và Taliban. IS cáo buộc người Afghanistan chỉ tập trung vào quốc gia của họ và do đó ưu tiên không phải đạo Hồi và mục tiêu truyền bá đạo Hồi. Mặt khác, Al-Qaeda cũng theo đuổi mục tiêu truyền bá đạo Hồi, nhưng làm theo cách khác với IS, và điều này không dẫn đến căng thẳng với Taliban. Chuyên gia về Nam Á Christian Wagner nhận định: “Cả 2 nhóm Taliban và al-Qaeda đều liên kết với nhau thông qua kinh nghiệm chiến đấu chung ở Afghanistan, và trong một số trường hợp, họ khó có thể tách rời nhau”.

Các nước phương Tây không phải là những nước duy nhất lo lắng về việc Taliban sử dụng Afghanistan để chứa chấp các tay súng khủng bố quốc tế. Để theo dõi ý định của họ, Nga đã duy trì các kênh liên lạc với Taliban trong nhiều năm. Trung Quốc cũng có các cuộc trao đổi tiếp xúc với các đại diện của Taliban trong vài tháng qua. Và Iran cũng đã mở đối thoại với Taliban, đề nghị hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình có thể xảy ra trong tương lai. Cả 3 nước láng giềng với Afghanistan này đều đoàn kết chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và Taliban có thể nhận thức được điều này.

Theo nhà phân tích Daniel Byman, Mỹ vẫn có sẵn các phương án giám sát và chống lại sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Afghanistan. “Quân đội Mỹ đã tìm cách sử dụng các căn cứ không quân của họ bên ngoài Afghanistan để tấn công các trại của al-Qaeda hoặc các phương pháp hoạt động khác nếu điều đó trở nên cần thiết”, ông Byman viết trên tờ Foreign Affairs.

“Mỹ vẫn có sẵn các phương án giám sát và chống lại sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Afghanistan. Quân đội Mỹ đã tìm cách sử dụng các căn cứ không quân của họ bên ngoài Afghanistan để tấn công các trại của al-Qaeda hoặc các phương pháp hoạt động khác nếu điều đó trở nên cần thiết”

Ông Daniel Byman (Chuyên gia nghiên cứu về khủng bố)