Liên tiếp bạo hành học sinh, hành hung giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục muốn lập đường dây nóng

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu lập đường dây nóng kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học trước lo ngại về tình trạng bạo hành trường học.

Lo ngại trước tình trạng bạo hành trong trường học gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo và học sinh; tác động xấu đến môi trường giáo dục và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu lập đường dây nóng kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học

Liên tiếp bạo hành, hành hung nghiêm trọng

Thông tin mới nhất về vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, trưởng tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng là việc ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên này.

Chiều 5/4, Hiệu trưởng trường tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP.Hải Phòng) Trần Thị Ngọc Bảo đã ra quyết định số 06/QĐ-THAĐ về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương (SN 1993, trú tại thị trấn An Dương, huyện An Dương) trước hành động phản giáo dục bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.

Chấm dứt hợp đồng với giáo viên bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau

Theo quyết định kể trên, giáo viên Hương bị chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 5/4. Lý do giáo này bị chấm dứt hợp đồng lao động vì đã vi phạm Điều 6 Quy định về đạo đức nhà giáo do bộ GD&ĐT ban hành.

Chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương cho thấy sự hối hận về hành vi của mình và cho biết khi chọn ngành sư phạm, cô không thể lường trước có sự việc như hôm nay: "Em không nói gì nhiều, em cảm thấy mình có lỗi và xin nhận lỗi. Giờ này, em chỉ biết nhận lỗi và ước như sự việc chưa từng xảy ra". 

Sự việc tiếp tục gây lo ngại trong và ngoài nhà trường là việc học sinh lớp 12 trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã dùng dao đâm thầy giáo chủ nhiệm là Nguyễn Văn T. (30 tuổi) khiến thầy T. phải nhập viện cấp cứu.

Theo đó, khoảng 10h30 sáng 5/4, em Ngô Văn C. đang là học sinh lớp 12A6 - Trường THPT Trần Hưng Đạo, cầm một dao bấm dài 10cm đứng ở cổng trường. Khi thầy giáo Nguyễn Văn T. vừa bước ra cổng thì C. bất ngờ dùng con dao lao vào đâm vào bụng thầy T.

Thầy T nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng. Theo các bác sỹ, thầy T. có một vết thương thấu bụng vùng hạ sườn phải kích thước 2x2cm, bị tổn thương gan phải buộc phải phẫu thuật cấp cứu.

Một số bạn học của C. cho biết, sáng cùng ngày thầy T đã phát hiện trên cổ C. có một vết xăm nên nhắc nhở về xóa đi. Tuy nhiên, C. đã có thái độ hầm hực, sau đó mới đứng chặn trước cổng trường để “xử” thầy giáo. Sự việc đang được cơ quan công an tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Siết chặt biện pháp đảm bảo an ninh

Trước các sự việc nghiêm trọng nói trên, ngay chiều 5/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký công văn khẩn về tăng cường công tác đảm bảo an ninh trường học, đặc biệt sau vụ vô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng.

Công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã liên tiếp xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn trường học: học sinh bị tai nạn thương tích do điều kiện cơ sở vật chất không bảo đảm; cá biệt còn nhà giáo có hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh; đặc biệt, tình trạng phụ huynh học sinh vào trường học hành hung, gây thương tích, xúc phạm danh dự nhà giáo, tinh thần và thể chất học sinh.

Các sự việc trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo và học sinh; tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thầy giáo Nguyễn Văn T. bị học sinh đâm trọng thương ngày 5/4

Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt và kiểm tra việc thực hiện thường xuyên Nghị định 8- của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD- GD về đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

Phải tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong trường học; Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý giáo dục học sinh và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Cần siết lại các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học; Ngăn chặn, ngăn ngừa, khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn, đảm bảo tuyệt đối thể chất và tinh thần cho nhà giáo và học sinh trong cơ sở giáo dục.

Cùng đó, cần tổ chức thanh tra kiểm tra các cơ sở giáo dục trong thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh phòng chống bạo lực học đường. Phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức cá nhân gây mất an toàn, an ninh trường học và công khai kết quả xử lý.

Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp tại địa phương và các trường học tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữ lãnh đạo nhà trường với phụ huynh, học sinh giáo viên để kịp thời nắm bắt tâm tự, nguyện vọng  xử lý  kịp thời các trường hợp xảy ra.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo định kỳ, đột xuất về tình hình an ninh, an toàn trường học đến cơ quan quản lý các cấp.