Lê Văn Công - Tấm gương "tàn nhưng không phế"

ANTD.VN - Sinh ra đã phải chịu thiệt thòi so với người thường khi bị teo chân, lớn lên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng chưa lúc nào, ý chí vươn lên nguội lạnh trong Lê Văn Công. Không để phải trở thành gánh nặng, trái lại anh còn là trụ cột kinh tế gia đình.

Lê Văn Công - người vừa mang vinh quang về cho Thể thao Việt Nam với tấm HCV, phá lỷ lục Paralympic Rio 2016, là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em. Ngay từ khi sinh ra, anh đã bị khuyết tật, đôi chân bé teo tóp, di chứng để lại khi mẹ Công mang bầu nhiễm sốt xuất huyết.

Không có được cơ thể lành lặn như bạn bè cùng trang lứa, có thời điểm cậu bé Lê Văn Công cảm thấy tự ti. Nhưng vượt lên tất cả là ý chí vươn lên, khát khao làm được những thứ như người bình thường.

Năm 2008, Lê Văn Công rời quê nhà Hà Tĩnh vào TP.HCM lập nghiệp. Cũng thời điểm này, anh gặp người bạn đời Chu Thị Tám - một cô gái khỏe mạnh, xinh tươi, tháo vát người Nghệ An cũng vào TP.HCM tìm cơ hội việc làm. Hơn 2 năm tìm hiểu, đối mặt nhiều khó khăn, cách trở nhưng bằng tình yêu vô bờ bến, cả 2 đã cùng vượt qua để về chung một nhà.

Ngoài thi đấu thể thao, Lê Văn Công còn sửa chữa, lắp ráp các thiết bị âm thanh để tăng thu nhập cho gia đình

Sống trong căn nhà thuê chỉ khoảng 10m2, hai vợ chồng Lê Văn Công bươn trải với nhiều nghề để kiếm sống và đặc biệt, chàng trai sinh năm 1984 luôn ý thức việc mình phải là trụ cột chứ không phải là gánh nặng cho gia đình và không để vợ con phải khổ. Song do cơ thể khiếm khuyết nên suốt một thời gian dài, Công chỉ có thể làm việc vặt với tiền công bèo bọt, cuộc sống bấp bênh. 

Bước ngoặt cuộc đời đến với Công khi anh tham gia một CLB hướng nghiệp khuyết tật trẻ của TP.HCM và bén duyên với cử tạ. Từ đó, anh được giới thiệu vào tham gia tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe của CLB Cử tạ tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Tân Bình (TP.HCM).

Ngay từ những ngày đầu tham gia tập luyện, Công đã rất thích và tiến bộ nhanh và liên tiếp gặt hái được những thành tích và đỉnh cao nhất là tấm HCV Paralympic vừa mới giành được. Những khoản tiền thưởng huy chương đều đặn giúp anh có cuộc sống ổn định hơn.

Lê Văn Công cho rằng mình là người hạnh phúc khi có người vợ biết cảm thông và 2 đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi khi không đấu giải, Công nỗ lực học tập để có được tấm bằng công nghệ thông tin. Với kiến thức học được từ nhà trường, Công giờ chuyển sang sửa chữa, lắp ráp các thiết bị âm thanh tại nhà. "Mình mua linh kiện về rồi tự tay lắp ráp, sáng chế các mẫu thiết bị âm thanh. Hoặc đôi khi tận dụng các phụ kiện âm thanh cũ, lắp ráp lại để bán cho những người không có tiền mua thiết bị mới. Công việc này giúp mình và gia đình thu nhập ổn định, trung bình 4 triệu đồng/tháng, chứ không còn bấp bênh như trước", VĐV Lê Văn Công chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ.

Nhờ chăm chỉ lao động, cộng với số tiền thưởng tích cóp được sau mỗi giải đấu, năm 2014, Lê Văn Công đã tậu được mảnh đất rộng 500m2 tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, Long An, xây một căn nhà khang trang để chấm dứt cảnh sống tạm bợ trong căn phòng thuê trọ 10m2.

Nhưng như Công tâm sự, tài sản lớn nhất anh có được là người vợ biết cảm thông và 2 đứa con ngoan ngoãn, con trai đầu Lê Tuấn Anh 6 tuổi vừa vào lớp 1 và con gái bé bỏng 6 tháng Lê Trâm Anh.

Trong mắt vợ con, Lê Văn Công là người chồng, người cha trách nhiệm, giàu tình yêu thương và luôn là niềm tự hào của gia đình. Còn với mọi người, anh là người hùng thể thao Người khuyết tật, tấm gương sáng "tàn nhưng không phế".

Rạng sáng ngày 9-9 giờ Việt Nam, lực sỹ cử tạ hạng dưới 49kg Lê Văn Công đã giành tấm HCV Paralympic đầu tiên trong lịch sử cho thể thao Người khuyết tật Việt Nam, đồng thời phá luôn kỷ lục thế giới, kỷ lục Paralympic. Anh vinh dự được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL gửi thư khen, thưởng nóng. Cùng với đó, đô cử 32 tuổi cũng nhận được các khoản tiền thưởng từ ngành thể thao, nhà tài trợ... với số tiền hiện tại là hơn 500 triệu đồng.