Lễ tiếp nhận “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam” và ra mắt tập truyện ngắn của tác giả Đặng Vương Hạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng nay 2/6, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đã diễn ra Lễ tiếp nhận “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam” giữa các chuyên gia của Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas - Hoa Kỳ và Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam”, đồng thời, giới thiệu tập truyện ngắn “Đức Mẹ online” - tác phẩm được xem như một loại “Hồ sơ Di sản văn hoá hoà bình” của tác giả Đặng Vương Hạnh.

Buổi lễ do Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hoá dân tộc phối hợp thực hiện.

Tới dự và chứng kiến sự kiện, có các Tướng lĩnh, Anh hùng LLVTND là đồng đội của các Liệt sĩ có di sản vật được trao trả và các cựu chiến binh; đại diện của cả lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, những người đã trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA) tại Đại học Công nghệ Texas (Tech University), bang Texas - Hoa Kỳ, được thành lập năm 1989 với nhiệm vụ thu thập và bảo quản các tài liệu và thông tin về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Trong hơn 30 năm qua, VNCA đã trở thành bộ sưu tập thông tin phi Chính phủ lớn nhất và toàn diện nhất về chiến tranh tại Việt Nam.

Sáng nay 2/6, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đã diễn ra Lễ tiếp nhận “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam” giữa các chuyên gia của Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas - Hoa Kỳ và Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” (ảnh: Ban tổ chức)

Sáng nay 2/6, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đã diễn ra Lễ tiếp nhận “Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam” giữa các chuyên gia của Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas - Hoa Kỳ và Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam” (ảnh: Ban tổ chức)

Ngày 17/8/2007, VNCA đã trở thành tổ chức đầu tiên của Hoa Kỳ ký thỏa thuận trao đổi với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Đến nay, VNCA đã thu thập được hơn 30 triệu trang tài liệu, bao gồm thư từ, sổ tay, ảnh, bản đồ, báo chí, ấn phẩm, bản ghi âm, phim, video, sách và các tư liệu khác liên quan đến chiến tranh và lịch sử Việt Nam...

Trong số hơn 30 triệu trang tài liệu của VNCA đang lưu giữ, có hơn 2,7 triệu trang về Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, thu được trên chiến trường. Những tài liệu độc đáo này chứa nhiều thông tin về các hoạt động quân sự, bao gồm thông báo tử vong, danh sách và địa điểm chôn cất liệt sĩ.

VNCA hiện đang thực hiện một dự án sử dụng các tài liệu và tư liệu phong phú để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh và được chôn cất, nhưng hài cốt vẫn còn mất tích và chưa được trả về với gia đình. Ngoài ra VNCA cũng thực hiện việc trao trả di sản (nhật ký, thư riêng, v.v...) cho các cá nhân, hoặc thân nhân liệt sĩ.

Gia đình các liệt sĩ nhận lại kỷ vật của người thân (ảnh: Ban tổ chức)

Gia đình các liệt sĩ nhận lại kỷ vật của người thân (ảnh: Ban tổ chức)

Theo Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng-Trưởng Ban Tổ chức sự kiện, trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng chục nghìn sổ tay nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của bộ đội miền bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa thu được trên chiến trường.

Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University số hoá hình ảnh và thông tin trong một dự án phi lợi nhuận mang tên “Hồ sơ Di sản Chiến tranh Việt Nam”. Những bản copy này cũng có thể được xem như là “bản gốc”, chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, nhưng rất cảm động và thiêng liêng, vì hầu như thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ có cơ hội thấy chúng.

Nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai, Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University, phối hợp với Viện Hòa bình và Xung đột tại Đại học Texas Tech đã cử một đoàn cán bộ nghiên cứu và sinh viên sang Việt Nam tìm hiểu thực tế; đồng thời, bàn giao một phần “Hồ sơ Di sản Chiến tranh Việt Nam” cho Tổ chức “Trái tim Người lính Việt Nam”.

Hồ sơ bàn giao lần đầu gồm có 5 nhật ký và 30 lá thư được viết trong thời gian chiến tranh của các cá nhân (hầu hết là liệt sĩ). Đại diện các gia đình liệt sĩ đã rất xúc động, khi được tiếp nhận những di vật với những nét chữ, di bút quen thuộc, thiêng liêng của người đã mất, cùng nội dung chứa đựng bên trong mỗi lá thư, hay những trang sổ tay nhật ký, ghi chép trong kháng chiến.

Tại buổi bàn giao sáng nay, có sự tham dự đặc biệt của 5 gia đình liệt sĩ Nguyễn Cao Kỳ (Quảng Nam); Nguyễn Hải Trường (Thanh Hoá); Phan Đình Điều (Hải Dương); Trần Minh Tiến (Hà Đông, Hà Nội); Nguyễn Mộng Bẩy (Gia Lâm, Hà Nội). Đặc biệt, trong số này, có liệt sĩ Nguyễn Hải Trường (Thanh Hóa) là một chiến sĩ công an lên đường vào Nam theo tiếng gọi của Tổ quốc và đã hy sinh.

Tiến sĩ Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas Tech University cho biết: “Sau chiến tranh, vẫn còn hơn 200 nghìn người lính Việt Nam mất tích, không có thông tin. Chúng tôi mong cùng với Việt Nam phần nào giải quyết được vấn đề này, giúp cho những nấm mộ vô danh trong các nghĩa trang liệt sĩ sẽ không còn vô danh nữa”.

Cũng trong sáng nay, Ban tổ chức giới thiệu tới đông đảo bạn đọc tác phẩm “Đức Mẹ online” của Cựu binh, Nhà nghiên cứu Văn hoá Đông-Tây, Nhà báo Đặng Vương Hạnh (hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thương Gia).

Nhà báo Đặng Vương Hạnh trong buổi ra mắt sách (ảnh: Ban tổ chức)

Nhà báo Đặng Vương Hạnh trong buổi ra mắt sách (ảnh: Ban tổ chức)

Với 300 trang khổ lớn, tác phẩm gồm 8 truyện ngắn, với đề tài tình yêu, hạnh phúc gia đình và cả những vấn đề hậu chiến. Mỗi câu chuyện của “Đức Mẹ online” đều đã chạm tới những trái tim bạn đọc. Qua góc nhìn đa chiều và mới mẻ của thời công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; cây bút từng mặc áo lính Đặng Vương Hạnh còn mang đến cho người đọc những trang sách như một dạng “Hồ sơ Di sản văn hoá hoà bình”.