Lão nông 3 lần hiến đất làm đường nông thôn

ANTĐ - Ông Phùng Mạnh Thực - Chủ tịch Hội Cựu TNXP thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai luôn là tấm gương điển hình, đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã trong những năm qua. Đặc biệt, ông vừa được đề cử công dân Thủ đô ưu tú nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-2014 với việc hiến cả nghìn mét vuông đất để làm đường.

Ngày ngày ông vẫn miệt mài trồng cây quả để có thêm thu nhập

Mảnh bom găm trong người 40 năm

Dáng người nhỏ bé nhưng khá nhanh nhẹn, ông Thực khiến người đối diện ngạc nhiên bởi sự lạc quan, dí dỏm qua những câu chuyện về cuộc đời mình. Rót chén nước trà, ông bảo, nhà có 3 anh em nhưng tất cả đều xung phong đi bộ đội. Người anh cả và em trai ông đều hy sinh khi còn rất trẻ. Riêng ông may mắn hơn nhưng cũng gánh chịu những hậu quả nặng nề từ cuộc chiến tranh tàn khốc, với một phần thân thể đã để lại nơi chiến trường và mảnh bom găm trong người tới tận 40 năm.

Sinh năm 1947, khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã tình nguyện tham gia TNXP ở  Nghệ An. Trong lúc cùng đồng đội sửa chữa cầu đường ở Diễn Châu, Nghệ An, địch càn quét cả một vùng rộng lớn đã khiến ông bị thương, mảnh bom găm vào bụng nên phải cắt một bên thận.

 “Khi làm phẫu thuật, các bác sỹ còn bỏ quên trong bụng tôi một cái kẹp. Phẫu thuật xong xuôi, cô y tá rửa dụng cụ mới phát hiện thiếu một cái kẹp. Họ lục tung cả đống bông băng để tìm nhưng không thấy. Cuối cùng, một bác kỹ kết luận, cái kẹp vẫn nằm trong bụng tôi. Họ lại rạch vết mổ dài 18cm vừa khâu xong và gắp ra cái kẹp”, ông Thực kể lại. Nhiều lúc trái gió trở trời, cơn đau từ ca mổ đó vẫn luôn hành hạ ông. Tuy nhiên, không ai ngờ, 40 năm sau, tới tận cuối năm 1999 đầu 2010, ông thường xuyên đau dữ dội khu vực cột sống, đi kiểm tra mới biết, có vật lạ găm vào đốt sống. Một lần nữa, ông Thực lại lên bàn phẫu thuật. Lần này các bác sỹ đã tìm ra một mảnh bom găm vào đốt sống thứ ba của ông. Mảnh bom dài 1,5cm, rộng 0,5cm.

Mình không làm gương sao vận động được nhân dân

Sau khi bị thương, bị mất sức 21%, năm 1970, ông về quê lao động sản xuất và xây dựng gia đình. Mặc dù chỉ làm nông nghiệp, gia cảnh cũng không dư dả, nhưng ông luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Khi hỏi ông về việc 3 lần hiến đất để làm đường giao thông nội đồng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, ông cười xòa: “Xây dựng nông thôn mới là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Mình tham gia các tổ chức đoàn thể như hội Cựu chiến binh, Hội TNXP và còn là ủy viên của Ủy ban MTTQ xã thì phải làm gương. Muốn vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương mình phải đi đầu thì mới tuyên truyền, mới thuyết phục được chứ”. Với ý nghĩ ấy, đầu năm 2013, ông đã hiến 758m2 đất nông nghiệp để mở đường giao thông nội đồng, cuối năm 2013, ông tiếp tục hiến thêm 232m2 đất. Sang năm 2014, ông hiến cho thôn Bạch Thạch 90m2 đất. Như vậy, cả 3 lần, ông đã hiến 1.080m2 đất nông nghiệp. 

Hiện nay, hai vợ chồng ông vẫn cấy 5,5 sào ruộng, song sức khỏe ông yếu, nên chủ yếu là vợ ông đảm nhận. Còn ông, ngày ngày chăn 2 con bò và chăm 70 gốc bưởi trong vườn để có thêm đồng ra đồng vào. Hiện hai vợ chồng ông đã có tuổi nhưng vẫn phải chăm lo cho cô con gái thứ năm, sinh năm 1981, bị thiểu năng.

Khó khăn là vậy nhưng phẩm chất “người lính cụ Hồ” vẫn còn nguyên trong người  TNXP ấy. Năm 2013, biết hoàn cảnh của ông khó khăn, căn nhà cấp 4 xây dựng từ năm 1981 đã xuống cấp, xập xệ, Ủy ban MTTQ huyện  và Hội Nông dân huyện Quốc Oai đã trợ giúp gia đình ông 60 triệu để sửa sang ngôi nhà, ông ghi nhận, cảm ơn nhưng từ chối nhận số tiền ấy. Nói về điều này, ông cho biết: “Không phải gia đình tôi không cần số tiền ấy, nhưng tôi nghĩ, nhiều đồng đội khác của tôi đang cần hơn. Tôi vẫn có thể bươn chải, lo liệu được cuộc sống cho gia đình mình”. 

Xã Hòa Thạch đã hoàn tất dồn diền đổi thửa, đường giao thông nội đồng được xây dựng khang trang, góp phần thúc đẩy sản xuất. Ông Phùng Mạnh Thực chia sẻ, từ việc tình nguyện hiến đất, tôi đã tham gia vận động nhân dân trên địa bàn thôn, xã đồng sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới bằng mọi hình thức như ủng hộ bằng tiền, ngày công lao động, hiện vật, hiến đất… hầu hết đều nhiệt tình, hăng hái tham gia.