Lắng nghe trong lòng đá

ANTĐ - Lẫm chẫm bên mẹ bước đầu đời, thấy bóng cây trùm bóng mẹ. Tuổi cắp sách, có bóng thầy dưới bóng cây tỏa mát sân trường. Ngấp nghé tuổi biết nhớ, biết thương, chờ nhau cuối phố bên gốc sấu, mòn dấu chân. Cây luôn ở bên người, che nắng, tránh mưa trên những nẻo đường đời long đong, cay cực. Chỉ đến lúc bước sang bên kia dốc cuộc đời, mới nhận ra bên mình còn có những viên đá cuội, tảng đá, vách đá, núi đá. Cây luôn thay lá, nhú chồi, nẩy lộc. Một đời người sao dài bằng một đời cây. Còn đá, muôn đời vẫn thế. Lòng đá thăm thẳm, lặng thinh...

Lần đầu tiên ngồi trong hang đá sâu hút trên một hòn đảo, chỉ độc một người, chợt thấm lạnh nỗi cô đơn của kiếp người. Đó là một chiều đông cuối năm, rất lâu rồi. Tôi lên thuyền bơi ra một hòn đảo. Đảo không tên, người cũng không tên. Chơi vơi mãi tít ngoài rìa vịnh Hạ Long. Thuyền nan bé nhỏ, mong manh. Như chiếc lá tre rơi giữa biển, bốn bề sóng trập trùng. Núi đá ngổn ngang, nhấp nhô núi to, núi nhỏ. Ngàn năm đổ bóng biển sâu.

Tiếng vọng trong hang đá đảo hoang

Bơi mãi vẫn chỉ những sóng và vô vàn núi đá. Lọt thỏm giữa trời nước mênh mông, ngẫm con người thật bé nhỏ. Ngước lên đỉnh núi, vách đá cheo leo, tịch không bóng người. Nhìn kỹ thì nhận ra mấy con dê núi bất động như đá ngó xuống. Nghe nói, chót vót trên những ngọn núi kia, bạt ngàn cây thuốc nam quý hiếm. Chẳng ai leo lên nổi, bao đời nay trên đó độc một loài dê núi. Sống bằng búp non, chồi biếc, lá xanh. Xa xưa, vua chúa thường bắt dân vùng này cống nạp dê núi để chế biến các món bổ dương, tráng khí hoặc nấu cao sơn dương, cao toàn tính. Nghe bảo, sáu bẩy mươi tuổi mà được hưởng, sinh lực chẳng thua gì trai tráng.

Mặt trời đang chìm dần, thuyền chạm đáy cát, sát vách đá. Đảo sừng sững trước mặt, che khuất mặt trời. Bóng tối âm u, ẩm ướt trùm lên. Tìm không thấy bậc. Giữa cỏ cây, đá tai mèo nhọn sắc, mờ một lối mòn. Túm chặt bụi cây, lần từng bước leo lên. Cửa hang tối om, bước chân vào như chạm phải hơi lạnh phả ra từ đá, từ đám dây leo chằng chịt và tiếng nước róc rách. Đột nhiên tôi rùng mình, ớn lạnh. Có tiếng hú vọng từ trong đáy hang. Đúng là tiếng người, sao không thấy ai? Tất cả sững lại. Duy bác lái đò thản nhiên như không. Mở ba lô, bác lấy cây đuốc và châm lửa. Ngọn lửa không xua nổi khí lạnh lẽo dầy đặc bao quanh. Giơ cao đuốc, bác dò dẫm trên đá ẩm ướt, trơn truội. Ai nấy lẳng lặng bám theo. Ánh đuốc chập chờn, bước chân dò dẫm. Tay bấu vào vách hang, hơi đá luồn vào người, lạnh thấu xương. Chốc chốc, vài tàn lửa rơi xuống vũng nước, tắt lịm. Lần sờ mãi tới một phiến đá to cỡ hai tấm phản. Mặt đá phẳng, nhẵn như trải chiếu. Nhưng lạnh lắm không thể ngồi nổi. Ánh lửa hắt vào góc hang, chợt nhận ra một người đàn ông ngồi xếp bằng trong vách hõm sâu. Bất động như hóa đá, râu tóc lòa xòa. Chỉ đôi mắt là sống động, nhìn xa xăm như không thấy gì. Trên hốc đá, lăn lóc mấy cái vỏ hộp, ống bơ. Một con dao, một cái bát, một đôi đũa. Một chiếc chăn bông không biết màu gì. Người lái đò đưa cho ông ta chiếc ba lô đeo trên vai. Gạo, muối và cá khô. Thế là đủ sống. Một mình sống trong hang đá, không có hơi người, còn cần gì? Hai người không hé răng nửa lời. Bốn mắt nhìn nhau. Mình là người dưng, biết hỏi han gì.

Ngoài kia, bóng tối ập xuống, bịt kín cửa hang. Đột nhiên ông ta bật dậy, bước ra ngoài. Hai tay chụm miệng, cất tiếng hú. Nghe có tiếng rậm rịch trên đỉnh núi ngỡ là đất đá đang lăn xuống. Lát sau, một con dê cao lớn đứng sững trước cửa hang. Cả bầy nối đuôi nhau trượt xuống. Những cặp mắt hoang dại, sợ sệt. Cả đàn chen chúc, nép sát chân người ông ấy. Ông cúi vuốt ve mấy con dê nhỏ như thể những đứa trẻ. Bế con dê bé nhất vào lòng, ông lẳng lặng đi vào hang, không ngoái lại. Cả đàn dê lục đục bước theo. Im ắng, tĩnh mịch trở lại. Như chốn không người, không tiếng dê, không có cả chúng tôi.

Ngô xanh trên cao nguyên đá

Thuyền lặng lẽ rời đảo. Thủng thẳng chèo thuyền, người lái đò kể. Hồi trẻ, ông ta đi bộ đội, bị thương rồi phục viên. Nghe đâu về đến làng, người yêu bỏ đi biệt tích. Từ đó ông ta ra đảo này sống một mình, trồng rau, nuôi gà. Dần dà những con dê núi quấn quýt lấy ông, tối chui vào hang ngủ. Thấy vậy, hợp tác xã liền cấp cho ông mỗi tháng mấy cân gạo, ít muối và cá khô. Chỉ mỗi việc, sáng mở cửa hang cho dê lên núi, tối gọi chúng về. Bỗng dưng hợp tác xã có cả một đàn dê trời cho. Thỉnh thoảng họ lại ra đảo bắt vài con về nấu cao. Nhưng không ai được sơ múi gì. Nghe nói để cung phụng cho ai đó. Bất giác tôi ngoái lại. Bóng tối dầy đặc trên mặt biển, tiếng sóng, tiếng mái chèo cũng chìm nghỉm. Tối đen bưng kín mắt, nhưng tôi vẫn cảm thấy người đàn ông đang đứng đó. Đã hóa đá, cả tiếng hú cũng hóa đá. Một đời người, có khi chỉ cần một ánh mắt ở trong lòng, có thể sống suốt đời âm thầm như đá.

Sống chết trên đá, con người khép kín như đá, mà cứng rắn như đá. Cái gì mà chẳng thể hoá thành đá? Nụ cười hóa đá. Tình yêu và niềm tin hoá đá. Cả đến nỗi mong chờ mòn mỏi cũng hóa đá, như nàng Tô Thị bồng con Vọng Phu. Mỗi lần lên miền núi, tôi thường ngắm những chóp núi, tảng đá rồi tưởng tượng những hình dáng. Khi chơi vơi giữa hàng trăm đảo đá trên biển cả, thấy mình như cát bụi, vô nghĩa. Dù sao vẫn thấy dễ thở. Ở trên Hà Giang, giữa cao nguyên chồng chất núi đá, mới thấy ngột ngợp. Càng leo lên, núi càng cao và "già" đi. Dưới cổng trời Quản Bạ, đá vây chặt bốn bề, ngột ngạt, bức bối. Ngước lên, vời vợi núi đá chắn ngang mắt. Ngó xuống, vách đá thăm thẳm, hun hút ghê người. Trước và sau, chỉ toàn là đá. Len lỏi trong đá, bám trên đá, xuyên qua đá, là những lá ngô non xanh mềm. Xanh lấm thấm và mong manh như những chấm người vừa chợt phát hiện trên sườn núi. "Chân cứng đá mềm". Dấu chân mòn đá tai mèo, mài nhẵn những con đường đá ngập nghềnh, cheo leo. Trên nền đá xám xịt trải lút tầm mắt, phất phơ những ngọn ngô non, xanh đến nao lòng. Lác đác dăm bóng người thắt ruột, gò lưng cõng từng gùi đất hay địu con, chân trần bấm vào đá. Như thể những con kiến cặm cụi tha mồi. Họ lặng lẽ bỏ từng nắm đất vào hốc đá, khe đá, kẽ đá. Rồi chọc lỗ, nhón tay tra từng hạt ngô, gieo mầm sống vào đá. Mưa và gió, sương sa và hơi đá ấp ủ ngô nẩy mầm. Rễ ngô ăn vào đá, chọc qua đá vươn lên và kết hạt.

Yếu mềm như lá ngô. Cứng rắn như đá núi. Nên bắp ngô cũng rắn đanh như đá. Người Mông gọi là ngô đá hay ngô "răng ngựa". Vàng óng, chắc hạt. Ngàn đời nay, bao kiếp người nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc đã quen dạ với món mèn mén thay cơm. Cô gái người Lô Lô tên Duyên, nhỏ nhẹ: "Ăn mèn mén quen cái bụng rồi. Ăn cơm chóng đói lắm". Ngồi sát bên cô, tôi xúc thử hai thìa. Cổ tắc nghẹn, may mà cô vội đưa cho chén rượu ngô nóng hổi.


Cuộc đời mòn mỏi quay quanh cối đá

Từ Quản Bạ lên Mã Pì Lèng, từ Yên Minh leo tới đỉnh Lũng Cú và ngược đến chợ Đồng Văn, rượu ngô chảy tràn như suối. Rượu làm đàn ông, con trai lực lưỡng ngã dúi, ngủ vùi bên đường. Đàn bà, con gái má ửng hồng nồng nàn men rượu, đang nhẫn nại ngồi bên che dù dưới nắng quái chiều biên giới. Mấy trăm năm nay, đời này nối tiếp đời kia, niềm vui độc nhất của con người là bát rượu ngô bên chảo thắng cố nghi ngút khói. Cả ngày chồn chân, mỏi gối từ trên vách núi cheo leo, từ những mái nhà sơ sài, trống trơ như tổ chim, vợ chồng, già trẻ, lẽo đẽo dắt nhau xuống chợ. Để được thấy mặt người, để được ngập trong rượu ngô. Đời người còn gì vui hơn? Bên vệ đường, dưới gốc cây, chồng say mềm, gối đầu lên tảng đá ngủ quên trời đất. Vợ che ô, phe phẩy quạt như mẹ ru con, chị ru em.

Hạnh phúc giản dị thế ư? Mình thì mải mê tìm kiếm, có khi tốn cả đời mà chẳng thấy. Ở chốn này hay ngoài hoang đảo kia, có lẽ người ta sống không cần, không có thời gian. Âm thầm, lặng thinh như đá. Bao kiếp người mỏi mòn xoay hết vòng đời như cái cối đá trong dinh cơ nhà họ Vương Chí Thành, vua một thời. Như cối đá trong mỗi nếp nhà ở bản Sản Pà. Ngàn đời nay nhọc nhằn quay, xay ngô đá. Cuộc sống như dưới đất sâu âm u cả trong ngôi nhà từng được lên phim "Chuyện của Pao". "Màu" thời gian đọng thành cặn, kết từng lớp dầy. "Mùi" thời gian tích tụ suốt mấy thế kỷ không thể tan loãng, bay đi. Cảm giác nặng nề không chỉ chụp lên đầu mà bó chặt lấy mình. Nhất là khi bốn bề là những hàng rào, đá hộc xếp chồng lên nhau, nèn chặt như bức tường thành. Nhà trình tường, hàng rào, cối xay đá và ngô đá vây chặt bao đời người. Hàng rào đá bao quanh từng ngôi nhà, toát ra một nỗi buồn. Cuộc đời khép kín, tự mình che chở, tìm hơi ấm của chính mình. Những hàng rào đá nhấp nhô ảm ảnh mãi trong tâm trí tôi, cả khi đặt chân đến đảo Javutra bên Indonesia, bạt ngàn đá giữa đêm đông gió lạnh lộng thốc. Sương gió và thời gian mài mòn những hình dáng góa phụ chờ chồng đến hóa đá. Ở đó, có những bông hoa dại nở thầm trong khe đá, đẹp đến xót xa mà chẳng biết tên. Ở đó, hoa cúc dại nở ven nẻo đường đá. Gió xao xác lùa qua tảng đá, khe đá ngỡ như tiếng người từ cõi nào vọng lại.

Ngỡ như "Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi". Hàng rào chung quanh nhà bằng đá, tường đá, ghế băng đá, giỏ đựng rác cũng bằng đá. Những bãi cột đá, tuyệt tác của tạo hoá được tạo bởi sự xói mòn của sóng và gió biển. Những ngọn núi đá nhô lên giữa biển khơi hàng triệu năm thấm nỗi buồn sâu thẳm cùng sóng gió. Thời xa xưa, không biết bao nhiều đàn ông, trai tráng trên đảo đã bỏ mình trên những chiếc thuyền đánh cá mong manh. Họ vật lộn với sóng gió, bão tố và giá rét. Mãi mãi ở lại dưới biển sâu. Đảo đá ấy giờ là nơi hẹn hò của những đôi trai gái. Trong đá, trong gió và sóng biển, có lẽ họ tìm thấy bình yên, ấm cúng. Một cõi thanh tuyền trong căn nhà bằng đá lạnh. Tôi nhận thấy, tường đá, nhà đá trên đảo và trên cao nguyên đá Hà Giang, hình như đều cùng do những bàn tay xếp chồng lên. Thoạt nhìn thì chông chênh, lỏng lẻo, mà vững chắc vô cùng. Chống hai tay, tôi cố sức đẩy một hàng rào đá, tưởng chỉ xô khẽ là đổ sụp. Thật kinh ngạc, không hề suy chuyển, vững như bàn thạch. Kinh ngạc như khi được nghe những âm thanh trầm đục, âm u thăm thẳm trong lòng đàn đá, chiêng đá.

Con người có cuộc đời dù cuộc sống khuất lấp. Cây cỏ có cuộc sống. Đá cũng có cuộc đời của đá. Từ thời đồ đá, con người ăn lông ở lỗ trong những hang đá, rồi đập đá mà tìm ra ngọn lửa đưa loài người thoát khỏi mông muội, bước ra ánh sáng văn minh. Bàn tay con người lại làm ra đục đá, rìu đá, cối đá, bẫy đá. Cái thuở hồng hoang ấy, có người nghệ sĩ đã gửi lòng mình vào phiến đá bao nỗi niềm không thể nói ra. Để đến đời này, lắng nghe trong tim đá, chợt thấy se lòng tiếng vọng từ xa xăm. Rồi chợt rưng rưng nhận ra hình như có những giọt nước mắt, thời gian không thể làm khô cạn, còn ngấn đọng nơi khoé mắt rùa đá, hạc đá, nghê đá trong Văn Miếu, trong Cố cung, Di Hòa viên. Không có gì bất biến, vĩnh viễn trước thời gian. "Nước chảy đá mòn", thời gian tàn phá tất cả. Nhưng dù ngọn lửa tàn lụi, mà ánh lửa thì còn mãi. Đôi mắt xa khuất, ánh mắt đọng lại mãi. Nụ cười không còn, nhưng tiếng cười còn mãi. Những gì còn nhớ đến, là còn mãi với thời gian.