Lặng lẽ trang sách đời người

(ANTĐ) - Nhìn gần 60 đầu truyện  và sách ông đã dịch, gần 500 bài báo ông đã viết từ năm 1957 đến nay, tôi không khỏi kinh ngạc, bởi ông không phải là nhà báo và dịch giả chuyên nghiệp.

Lặng lẽ trang sách đời người

(ANTĐ) - Nhìn gần 60 đầu truyện  và sách ông đã dịch, gần 500 bài báo ông đã viết từ năm 1957 đến nay, tôi không khỏi kinh ngạc, bởi ông không phải là nhà báo và dịch giả chuyên nghiệp.

Đồng chí Phạm Thụy Uông
Đồng chí Phạm Thụy Uông

Hàng ngày, trong căn phòng nhỏ áp sát tầng thượng, ông say mê viết và dịch. Ông bảo tôi:” Ngày nào không viết được vài trang là tôi bứt rứt không yên.” Tôi hỏi ông: “Đã qua tuổi bát tuần rồi  mà bác vẫn chưa dứt được món nợ văn chương. Bác ở trong ngành công an, lại lấy văn làm nghiệp, có lẽ trong dòng họ bác có người đỗ đạt?”. Ông không giấu niềm  tự hào: “Đúng rồi, đó là ông nội tôi”. Thì ra là vậy! Ông đưa cho tôi xem ảnh ông nội Phạm Văn Toán được thờ tại Đền Mây thuộc Đăng Châu, phố Hiến (Hưng Yên) và những bài báo in trên các báo Người Hà Nội, Công an nhân dân, An ninh Thế giới… được ông giữ cẩn thận thành từng tập với bút danh Lê Tuấn.Nhưng từ năm 1950, ông là người phụ trách tờ báo của Ty Công an – tờ Hồ Gươm. và câu chuyện làm báo, viết báo lại bắt đầu từ ngày xửa ngày xưa.

Tác giả Lê Tuấn, tên thật là Phạm Thụy Uông. Truyền thống yêu nước của gia đình đã sớm đưa chàng  trai phố Hoà Mã đến với cách mạng. Năm 1941, ông tham gia Thanh niên phản đế, sau đó hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Quang Đạo, bí mật gây dựng cơ sở Việt Minh trong thanh niên học sinh.

Những ngày cách mạng Tháng Tám sôi sục, ông cùng các đồng chí đi cướp chính quyền rồi trở thành chiến sĩ giải phóng quân bảo vệ chính quyền cách mạng .Và chỉ không đầy một tháng sau ông đã lên đường Tây Tiến, giúp bạn Lào đánh Pháp. Không phải đợi đến năm 1949-1950 mới có các chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến hành quân sang giúp bạn Lào với hình ảnh oai hùng “Quân xanh màu lá giữ oai hùm / Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm “, mà ngay từ tháng 10/1945, 130 chiến sĩ đủ cả người Tày, Nùng, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng … do ông Nông Ích Cao làm chi đội trưởng, đã tạm biệt Thủ đô Hà Nội lên đường đi Tây Tiến.

Ông cũng như bao thanh niên học sinh Hà Nội, các chàng trai vốn con nhà “Nho gia“ hoặc tư sản yêu nước, đã dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, truy đuổi quân Pháp đến tận Luông-Pha-La-Băng. Máu đào của các liệt sĩ đã đổ xuống đất Lào. Cuối năm 1946, Chi đội Tây Tiến chỉ còn 18 chiến sĩ trong đó có ông trở về Đất Mẹ. (Sau này kỉ niệm của những ngày tháng không quên đó đã được viết trong truyện “Hoa Chăm Pa“ và được Hội nhà văn trao giải B, trong đợt thi sáng tác tác phẩm văn học viết về đề tài Việt-Lào, năm 1998). Từ Lào trở về, tháng 10/1946, ông làm việc ở Nha Công an Bắc Bộ rồi lao ngay vào cuộc chiến đấu, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở mặt trận Liên khu II; Trường Hàm Long (nay là tường Ngô Sĩ Liên ), chợ  Hôm, Nhà Rượu, Ô cầu Dền, Ngã Tư Trung Hiền … “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời” . Những trận chiến đấu được ghi tạc vào lịch sử Thủ đô, lịch sử dân tộc, bằng máu của bao chiến sĩ vệ quốc đoàn và tự vệ Hà Nội.

Ông và đồng đội tạm biệt thành phố, lòng hẹn thề “trở về giải phóng Thủ đô “ … Làng Sét, Đại Kim, Bồ Nâu, Ước Lễ, Thái nguyên, Việt Bắc rồi lại từ Việt Bắc xuôi về, phụ trách báo “Hồ Gươm” của Ty Công an Hà Nội. Nhớ lại những ngày làm tờ báo này, ông hào hứng kể: “Năm 1950, anh Nguyễn Phủ Doãn, giao cho tôi nhiệm vụ phải ra được tờ báo của  Công an Hà Nội.Tôi đặt tên tờ báo là “Công an Hồ Gươm, nhưng cả toà soạn chỉ có anh Hoành vốn là thợ khắc dấu làm tranh minh họa; em Huân (nay là nhà văn Nguyễn Trí Huân) đi thu thập các bài báo tường ở các đơn vị. Còn tôi vừa phải chọn bài, biên tập, vẽ tranh minh họa, vừa lên ma két mà tôi học qua cách trình bày của báo Nhân dân chứ có học ở trường lớp nào đâu. Vất vả nhất là khâu in báo. Phải đưa bài vở đến cơ sở ở vùng núi Nưa hay núi Nhồi (Thanh Hoá) để in, rồi lại gồng gánh báo in xong về căn cứ. Cứ băng rừng lội suối mà đi. Vậy mà cũng ra được 7 hay 8 số báo khổ to như báo Văn nghệ công an bây giờ với 16 trang. Tiếc rằng tôi bị sốt rét nên không thể ra tiếp báo được nữa. 

Kháng chiến thắng lợi, tháng 8/1954, ông cùng các chiến sĩ điệp báo Hà Nội bí mật vào nội thành. Ngoài ra, ông và đồng đội còn được giao nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở cho các đồng chí trong đoàn làm phim Liên Xô vào Hà Nội. Đúng giờ hẹn, tổ điệp báo đón các nhà làm phim từ trạm giao thông ở Vĩnh Tuy về cơ sở. Đồng chí Các-men vào cơ sở ở phố Hàng Đậu; đồng chí Vơ-la-đi-mia Ep-su–rin và Ep –ghê-nhi Mu-khin vào cơ sở ở phố Hàng Giấy. Xe ô tô đưa đón các đồng chí, tổ điệp báo tự xoay sở được. Những thước phim quý giá quay cảnh người lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên và cảnh Hà Nội trong ngày giải phóng đã được Các –men và đồng sự của ông thực hiện rất sinh động trong phim ”Việt Nam trên đương thắng lợi”. Ông xúc động nói: ”Tôi cũng không ngờ đã góp phần vào giờ phút lịch sử của Thủ Đô trong bộ phim tư liệu vô giá như vậy”.

Thủ Đô Hà Nội được giải phóng, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công an, cuối năm 1957, ông lại là một trong những người đầu tiên làm báo Công an nhân dân cùng với bà Lê Phương, ông Phạm Văn Mẫn, sau đó là ông Lê Tri  Kỷ. Lúc đầu, ông vừa xuống các Ty công an lấy tin tức, vừa phải lên ma két báo. Sau này mới có hoạ sĩ Phan Chi về trình bày báo. Từ báo Nội san chỉ phát hành trong nội bộ  nay mang tên Công an nhân dân là bước phát triển mới của tờ báo trong giai đoạn mới của cách mạng mà ông và các đồng  nghiệp đã góp bao công sức gây dựng. Những năm tháng chống Mỹ hào hùng, tuyến lửa Vĩnh Linh là nguồn xúc cảm để ông viết nhiều bài ký về cầu Hiền Lương và cuộc chiến đấu khốc liệt ở đấy.

Từ năm 1980, nghỉ công tác, ông dành tất cả đam mê cho nghề viết:viết báo, viết truyện , dịch sách từ nguyên bản tiếng Pháp, càng viết càng say sưa.hàng trăm bài báo  và nhiều cuốn sách có giá trị văn học do NXBVH, NXBTH, NXBHN ấn hành  đã ra lò khi ông đã qua tuổi lục tuần.

Còn hôm nay, trước mặt tôi là những cuốn sách mà ông là dịch giả, đã được NXB Công an in năm 2004-2006: Do Thái với thế giới và tiền bạc, Những hồ sơ mật trong lịch sử; Tháng Tư ác liệt; Hai cuộc đời, một nước Nga; Di truyền học và thái độ xử sự tội phạm; Những đêm kinh hoàng; Chạy trốn; Lịch sử Jestapo; Edigar Hove với 50 năm lãnh đạo FBI. Và năm 2007, NXBLĐ sẽ in sách ông dịch: Nước Đức của Hít –le; NXBCA sẽ in hồi ký: Những kỷ niệm khó quên. Quả thật, tôi thật sự kinh ngạc trước sức làm việc của ông. Ông cười vui, bật mí cho tôi hay: ”Tôi còn là một trong những công tác viên đầu tiên của báo An ninh thể giới đấy. Hồi ấy, anh Hữu Ứơc đang “chiêu hiền đãi sĩ”, trụ sở báo còn ở Trần Quốc Toản. Hôm lĩnh nhuận bút, anh Hữu Ước rút luôn trong túi áo ra 60.000 đồngđưa cho tôi, toà soạn lúc ấy đã có thủ quỹ đâu”. Xuân Đinh Hợi, ông vẫn gửi bài cho số báo Tết ANTG.                        

Ở tuối 85,ông vẫn lặng lẽ làm con tằm nhả tơ và ghi lại những năm tháng gian khổ mà đầy tinh thần lạc quan cách mạng, yêu đời của người cán bộ  trên mặt trận thầm lặng trong hồi ký “Từ Sở Công an Bắc Bộ ra đi”, ,NXBCA vừa cho ra mắt bạn đọc cuối năm 2006.

Nhìn ông mạnh mẽ, cương trực, với khí chất của cây tùng, cây bách, tôi thật sự cảm phục ông. Và bên cạnh ông, người bạn đời chung thuỷ, dịu dàng, không chỉ là người bạn chia sẻ vui buồn nghiệp văn  mà còn là người thấu hiểu tâm tính chồng để cùng ông kiên cường vượt qua những thử thách gian nan trong đời, tạo dựng sự nghiệp, giữ gìn tổ ấm yên vui, hạnh phúc.

Trang sách, trang đời như tấm gương trong của ông chính là Quả Phúc ông để lại cho đời và con cháu.

Nguyễn Quang Dũng