Lan tỏa và nhân lên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vượt qua đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính vào những thời khắc ngặt nghèo “lửa thử vàng, gian nan thử sức” như trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 - một cuộc chiến chống dịch như chống giặc chưa có tiền lệ trong lịch sử - thì những giá trị đã thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “Đại đoàn kết dân tộc” lại được lan tỏa rộng khắp, nhân lên thành sức mạnh cộng hưởng để đất nước vượt qua đại dịch.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khơi dậy nhân lên tạo sức mạnh cộng hưởng chiến thắng đại dịch Covid-19

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khơi dậy nhân lên tạo sức mạnh cộng hưởng chiến thắng đại dịch Covid-19

Đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa

Đợt dịch Covid-19 thứ tư hiện nay còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương trên cả nước, song có thể khẳng định đến giờ phút này chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Với tổng số người mắc bệnh trong đợt dịch thứ 4 tới nay hơn 1 triệu ca và hơn 23 nghìn trường hợp tử vong, đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thử thách cấp bách và chưa từng có tiền lệ, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Thế nhưng, đúng vào lúc khó khăn, thử thách ngặt nghèo ấy, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc càng phát huy cao độ hơn bao giờ hết. Vô vàn những nghĩa cử, việc làm tốt đẹp, hình ảnh tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn trên dưới đoàn kết một lòng, ủng hộ, giúp đỡ, chi viện hết mình cho các điểm nóng dịch, nhất là các tỉnh, thành phố phía Nam và TP.HCM đã xuất hiện và lan tỏa trên mọi miền Tổ quốc ta và kiều bào “con Lạc cháu Hồng” khắp thế giới.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Nhà nước đã sớm kêu gọi toàn dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã tạo nên sức mạnh cộng hưởng của toàn dân tộc, chung sức đồng lòng của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống đại dịch.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần ra Lời kêu gọi “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”. Lời hiệu triệu sâu sắc của Tổng Bí thư đã nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Toàn dân đồng lòng hưởng ứng, ủng hộ và nghiêm túc thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân, các giới tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.

Niềm tin và sức mạnh chiến thắng đại dịch

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, trong khi nhiều quốc gia còn đang tính toán thiệt hơn giữa lợi ích kinh tế và thiệt hại do các biện pháp chống dịch hà khắc thì chúng ta đã khẳng định: “Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến với đại dịch.

Mỗi người dân đã trở thành “một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Họ thực hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua những việc làm giản đơn, thiết thực để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, như chấp hành các quy định phòng, chống dịch; khai báo y tế, thực hiện cách ly nếu thuộc diện quy định… Họ thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch khi tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Chính nhờ biết dựa vào dân mà chúng ta đã phát huy được tinh thần, huy động được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vào chống đại dịch, khơi dậy được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn dân. Điều này thể hiện ở sự đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tận tâm tận lực của các lực lượng tham gia chống dịch, sự ủng hộ tài lực, vật lực của các tầng lớp nhân dân.

Hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ - những “chiến sĩ áo trắng” không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh; những anh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày đêm làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, tổ chức cách ly, đi chợ thay dân, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” không quản khó khăn gian khổ thường xuyên duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các vùng dịch là minh chứng rõ nhất cho thấy khi cả dân tộc đoàn kết thì sức mạnh cộng hưởng tạo ra to lớn đến mức nào.

Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được các đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và người dân quyên góp, ủng hộ hỗ trợ kịp thời các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch và các địa phương khó khăn. Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 ngay sau khi thành lập và phát động đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Chính vì vậy, mặc dù Việt Nam chưa phải là nước phát triển, tiềm lực vừa phải, nhưng đã có đầy đủ nguồn lực để chiến thắng đại dịch.

Trước một dịch bệnh có quy mô thế kỷ, lại chưa từng có tiền lệ, song có thể thấy rất rõ là tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch” đã khơi dậy, lan tỏa trong toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, những giá trị tốt đẹp nhất của mỗi con người, từng cộng đồng, từng dân tộc đang được nhân lên, tạo thành sức mạnh cộng hưởng, sức mạnh đã giúp dân tộc vượt qua những khó khăn và thử thách ngặt nghèo nhất. Thực tiễn cho thấy, càng trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, một tài sản vô giá của đất nước, càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ, nhất là nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự yêu thương, đùm bọc và sức mạnh của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên của nhân dân ta được thể hiện đậm đà, sâu sắc trong những ngày tháng gian khó phòng, chống đại dịch.

Những giá trị tốt đẹp đang lan tỏa, nhân lên ấy cùng quyết tâm và sự chỉ đạo, phương sách chống đại dịch đúng đắn của Đảng và Chính phủ cho chúng ta niềm tin và sức mạnh “Đại đoàn kết dân tộc” để giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chống “giặc” Covid-19.