Làn sóng di dân

ANTĐ - Dù với muôn vàn lý do khác nhau song làn sóng di dân đang trỗi dậy trên thế giới mang lại những chuyển biến và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung toàn cầu.

Những người nhập cư bất hợp pháp leo qua bức tường trên biên giới Mexico - Mỹ để vào nước Mỹ

Trong báo cáo đưa ra ngày 11-9, Hội đồng Kinh tế và xã hội của LHQ (ECOSOC) cho biết hiện nay trên thế giới có tới 232 triệu người nhập cư, chiếm 3,2% dân số toàn cầu. Đây là con số di dân và nhập cư kỷ lục trên thế giới từ trước tới nay, trong đó cộng đồng dân cư này đang phát triển mạnh nhất ở châu Á và Mỹ vẫn là quốc gia tập trung nhiều người nhập cư sinh sống nhất.

Có thể nói mỗi người khi quyết định rời bỏ đất nước quê hương để tới quốc gia khác sinh sống, lập nghiệp đều có lý do riêng. Dòng di cư ngày nay không chỉ là người dân nước nghèo sang nước giàu mà còn có cả những người giàu có, ngôi sao, nghệ sĩ... muốn tìm một nơi định cư mới tiện nghi hơn, tốt đẹp hơn... thậm chí chỉ vì vấn đề thuế thu nhập quá cao ở quốc gia mẹ đẻ.

Thuế thu nhập đang là nguyên nhân khiến không ít người giàu có rời bỏ đất nước để tìm kiếm một nơi định cư mới mà ở đó có mức thuế thấp hơn. Trong số đó, dư luận thế giới từng xôn xao trước việc ngôi sao điện ảnh Gerard Depardieu đã rời bỏ nước Pháp di cư sang Bỉ để khỏi phải đóng mức thuế thu nhập lên đến 75% đối với người có thu nhập từ 1 triệu euro trở lên, hay Eduardo Saverin, nhà tỷ phú đồng sáng lập Facebook, từ bỏ quốc tịch Mỹ sang định cư lâu dài tại Singapore để khỏi phải đóng thuế thu nhập 35%...

Tuy nhiên, theo ECOSOC, đa số những người di cư là công dân các quốc gia đang phát triển chuyển tới sinh sống tại các nước phát triển. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ chỉ đến các nước hay các khu vực giàu có để tìm nơi sinh sống. 

Số liệu thống kê cho thấy, hiện ở châu Âu và châu Á có số người nhập cư sinh sống tương đương nhau, với lần lượt 72 triệu người và 71 triệu người, chiếm gần 2/3 tổng số dân nhập cư trên toàn thế giới. Riêng tại châu Á, từ năm 2000 đến nay, số người chuyển từ nước này đến nước khác trong cùng châu lục sinh sống đã tăng thêm 20 triệu người do nhu cầu việc làm tăng mạnh ngay tại khu vực. 

Bởi thế, không như cách nhìn và định kiến lâu nay, bên cạnh những khoảng tối đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn, lấn lướt hơn mặt sáng tích cực. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), người di cư có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế-xã hội nơi họ tới định cư.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nếu các nước phát triển đang có dân số giảm cho phép lực lượng lao động của mình tăng 3% bằng việc cho thêm 14 triệu lao động nhập cư trong khoảng thời gian từ 2001 - 2025 thì mỗi năm nền kinh tế thế giới sẽ có thêm 365 tỷ USD. Riêng với Mỹ, Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống nước này đã ước tính nền kinh tế đầu tàu thế giới mỗi năm thu được khoảng 37 tỷ USD nhờ những người nhập cư và trên 10% số người tự kinh doanh là người nhập cư. 

Đó cũng là một trong những lý do quan trọng để Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama kiểm soát cuối tháng 6 vừa qua đã thông qua dự luật cải cách chế độ nhập cư để mở hy vọng cho 11 triệu người nhập cư đang sống bất hợp pháp tại nước này. Trong khi đó, LHQ đánh giá di cư toàn cầu đang là một động lực năng động cho sự phát triển của các quốc gia tiếp nhận di cư.