Lần đầu tiên vận động thiết kế trang trí đường phố Hà Nội đẹp, bền vững

ANTĐ - Sáng 29-3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thành phố Hà Nội năm 2016. 

Nên bỏ giăng đèn qua đường

Lần đầu tiên tổ chức, cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thành phố Hà Nội năm 2016 thu hút sự chú ý rất lớn của các họa sỹ. Nhiều ý kiến tập trung đánh giá và phân tích về điểm được và chưa được của trang trí Thủ đô trong thời gian vừa qua.

Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội đã mở đầu lời phát biểu của mình bằng nhận xét: “Trang trí để đẹp hơn, không phải phản cảm. Tôi không đồng thuận với việc giăng đèn qua đường, tạo cho tôi cảm giác bất an mỗi khi tham gia giao thông, biết đâu một vật thể không xác định có thể rơi xuống đầu mình bất cứ lúc nào. Về màu sắc thì cần bớt đi xanh, đỏ, tím, vàng. Các nước trên thế giới, họ tận dụng ngay mặt phố để điểm thêm vào. Tôi đã góp ý với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nên bỏ dần việc giăng đèn tại trung tâm thành phố và dãn dần về phía khu vực của Hà Nội mở rộng. Bởi khu vực này vốn nhiều nhà cửa, giao thông đi lại như mắc cửi nên trang trí thêm vào chỉ tạo cảm giác rối mắt”.

Hà Nội nên có những trang trí đường phố bền vững?

Họa sỹ Nguyễn Thủy Nguyên cũng đồng tình với nhận xét của họa sỹ Trần Khánh Chương và bổ sung: “Trang trí đường phố của Hà Nội hiện nay đang lạm dụng đèn. Hà Nội cần những thiết kế bền vững và bớt đi những trang trí bồi đắp, cái giả thì nhiều mà cái thật thì ít. Đây cũng là vấn đề cần đặt ra để tiết kiệm chi phí, tiền của của nhân dân”.

Họa sỹ Nguyễn Mai thì nhìn nhận, việc trang trí đường phố hiện nay còn nặng nề, lòe loẹt. Thậm chí, trang trí không đúng cách đã phá hỏng hình ảnh của các cổng làng, các di tích lịch sử. Với màu sắc lòe loẹt của cờ chuối, băng rôn với những dòng chữ cổ động đã che phần lớn vẻ đẹp của các công trình kiến trúc.

Đặc biệt, họa sỹ Nguyễn Mai còn đánh giá, bằng nguồn vốn xã hội hóa, rõ ràng Hà Nội đang hưởng lợi. Nhưng do còn thiếu sự đầu tư trong thiết kế nên việc trang trí đã gây phản cảm đối với người dân.

Trang trí đường phố của Hà Nội ngày càng đẹp hơn

Tiếp thu ý kiến của các họa sỹ, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Nhiều du khách đến Thủ đô và người dân đều có chung nhận xét về trang trí của Hà Nội có cải tiến, có đẹp hơn so với thời gian trước kia, nhưng để làm hài lòng tất cả mọi người thì chưa. Để trang trí của Hà Nội xứng tầm Thủ đô nghìn năm văn hiến, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức cuộc thi này và tôi tin cuộc thi chắc chắn sẽ thành công, sẽ chọn được mẫu phù hợp và cuộc thi sẽ được tổ chức vào các năm tiếp theo”.

Cuộc thi lần này có hai mảng nội dung chính. Một là các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị gồm các mô hình biểu tượng, cụm pano cổ động, cụm cờ và các hình thức khác. Hai là, trang trí thành phố tại quảng trường, vườn hoa, nút giao thông lớn, tuyến phố trọng điểm.

Họa sỹ Lê Huy Tiếp, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VI tỏ ra lúng túng khi đọc đề tài của cuộc thi, được tiến hành ở nhiều địa điểm của Hà Nội. Bởi chỉ cần thi thiết kế trang trí tại một địa điểm đã khiến Hội đồng nghệt thuật và các họa sỹ khó khăn trong lựa chọn tác phẩm. Trong khi cuộc thi lần này không bó hẹp các tác giả vào một địa điểm cụ thể, trải rộng trên nhiều tuyến phố, nhiều địa điểm di tích.

Theo họa sỹ Lê Huy Tiếp, giải thưởng của cuộc thi quá thấp so với mặt bằng chung. Chỉ có 10 triệu đồng và 20 triệu đồng cho giải Nhất đã đánh giá không đúng giá trị của tác phẩm. Tuy vậy, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giải thích: “Tinh thần của Sở khi tổ chức cuộc vận động sáng tác là hướng đến tấm lòng của những người yêu Thủ đô. Giải thưởng tuy thấp, nhưng là món quà dành cho những người yêu Hà Nội”.

Từ 18-4-2016, Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm tham dự cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thủ đô năm 2016, địa điểm tại số 47 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.