Lạm phát lương thực và nguy cơ khủng hoảng “đói” ở Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động mạnh đến các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp hơn của Ấn Độ, khiến nhiều người thay đổi thói quen ăn uống cho phù hợp với túi tiền.
Lạm phát của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng gần đây, đẩy giá lương thực tăng cao

Lạm phát của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng gần đây, đẩy giá lương thực tăng cao

Thắt lưng buộc bụng

Lạm phát của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng gần đây, ở mức 7%, đẩy giá các mặt hàng chủ lực, bao gồm hành tây, khoai tây, cà chua, thịt gà và dầu tăng. Sasikala Rajan, 35 tuổi, một người làm nghề giúp việc gia đình ở thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi mua ít cá và thịt hơn khi giá cả tăng. Đôi khi chỉ ăn cơm với sữa bơ mặn và một ít cá khô”. Rajan kiếm được 15.000 rupee (196 USD) mỗi tháng. Gia đình 3 người của cô cũng đã áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng khác như cắt giảm cà chua, tỏi, hành và gia vị trong các món ăn. “Tôi sử dụng nồi áp suất để nấu ăn nhanh và tiết kiệm gas”, cô Rajan nói.

Ở Thủ đô New Delhi, chi phí sinh hoạt tăng cao đã buộc công nhân xây dựng Hariram Das, 42 tuổi ưu tiên đồ ăn nhẹ như bánh mì trứng. “Chúng tôi cố gắng cho các con uống sữa hoặc trứng khi có tiền”, Das nói. Manisha Rani, một người nội trợ ở New Delhi, cho biết: “Tôi thường làm món ăn hỗn hợp như cơm hấp ăn kèm đậu sốt cà chua với hành tây để cắt giảm chi phí”. Ngay cả những quán ăn nhỏ được tầng lớp lao động thường xuyên lui tới để mua thức ăn giá rẻ cũng bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Nhiều người bán hàng rong ở miền Nam Ấn Độ đã loại bỏ các món ăn nhẹ làm từ đậu lăng hay chuyển sang các món hấp như idlis (bánh gạo) để giảm bớt tác động của giá dầu ăn tăng cao.

Chinnaswamy, nhà cung cấp trái cây có trụ sở tại Chennai cho biết, suy giảm kinh tế đã đè nặng lên tiêu dùng của các hộ gia đình khiến doanh thu quầy hàng của anh sụt giảm trông thấy do khách hàng thắt chặt hầu bao và thay đổi phong cách nấu ăn. Theo nhà dinh dưỡng học, Tiến sĩ Nandita Iyer, ẩm thực Ấn Độ có thể dễ dàng thích nghi trong điều kiện thiếu các nguyên liệu và gia vị, bởi về cơ bản nó có xu hướng hạn chế và tránh lãng phí.

Lời kêu gọi chống khủng hoảng mới

Sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, lạm phát lương thực đang là vấn đề nổi lên toàn cầu, trong đó, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới đã tăng vọt 75% kể từ giữa năm 2020. Tại Ấn Độ, giá thực phẩm tiêu dùng nông thôn đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm, tính đến tháng 3-2022, theo Chỉ số Giá tiêu dùng toàn Ấn Độ (CPI) của Tổng cục Thống kê quốc gia công bố hôm 12-4. Lạm phát hàng bán buôn hàng năm của nước này lên tới 13%, mức cao nhất trong một thập kỷ.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, vấn đề an ninh năng lượng được chú trọng. Giá nhiên liệu đang tăng và thêm vào chi phí tổng thể, bao gồm cả sản xuất và vận chuyển thực phẩm. Cùng với đó, chiến sự cũng đã làm gián đoạn cung cấp và lưu thông lương thực ngũ cốc, làm rối loạn thêm bài toán cung - cầu. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tiếp tục ảnh hưởng đến những khu vực rộng lớn trồng lương thực và do đó làm giảm sản lượng tổng thể. Tóm lại, nhu cầu sống còn cơ bản nhất của loài người đang bị đe dọa.

Cuộc khủng hoảng hiện nay còn làm lộ ra một đường đứt gãy khác của thế giới toàn cầu hóa. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, một thế giới toàn cầu hóa được kết nối với nhau đột nhiên tỉnh giấc với tình huống mọi quốc gia đều co lại để tự phòng vệ, các nước giàu vơ về các nguồn lực cần thiết để đối phó với đại dịch. Lĩnh vực thực phẩm cũng có mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau. Ở châu Phi và Tây Á, cuộc khủng hoảng đói đã bắt đầu. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo rằng mỗi lần tăng giá lương thực theo điểm phần trăm sẽ đẩy thêm 10 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.

Trong một lời kêu gọi chung chưa từng có, những người đứng đầu Nhóm Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Tổ chức Thương mại thế giới đã đưa ra một lời kêu gọi khẩn cấp: “Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương thông qua các hành động phối hợp, từ cung cấp lương thực khẩn cấp, hỗ trợ tài chính, tăng sản xuất nông nghiệp và mở cửa thương mại... Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả các nước cởi mở thương mại và tránh các biện pháp hạn chế như lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm hoặc phân bón bởi việc đó càng làm trầm trọng thêm nỗi khổ của những người dễ bị tổn thương nhất”. Có thể, đây là lần đầu tiên có một lời kêu gọi toàn cầu về khủng hoảng lương thực.