Làm khó các trường nghệ thuật

ANTĐ - Việc không để cử nhân đào tạo cử nhân đại học được cho là chủ trương đúng. Tuy nhiên, cũng chính vì quy định này nhiều khối ngành đào tạo năng khiếu, nghệ thuật đang có khả năng bị đóng cửa hàng loạt. 

Cần những quy chế đặc biệt với những chuyên ngành nghệ thuật
(Trong ảnh: Một giờ học quay phim tại đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội)

Thiếu thực tế

Đại học không phải là trường phổ thông cấp 4 mà là nơi đào tạo nhân lực lao động trình độ cao cho xã hội và đó là trường dạy nghề: nghề nghiên cứu, nghề khám chữa bệnh, nghề dạy học, nghề biểu diễn nghệ thuật v.v… Thầy dạy trong trường đào tạo nghề tất nhiên phải là bậc thầy trong nghề và quy định trên của Bộ GD-ĐT là đúng nhưng liệu chỉ có tiến sĩ, thạc sĩ mới là bậc thầy trong nghề? Ngành nghệ thuật thì nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, quay phim… làm sao có thể thành tiến sĩ và đều có biên chế tại cơ sở đào tạo. Có thể nhà quay phim có bằng tiến sĩ nhưng có hai nghề khác nhau: nghề quay phim và nghề nghiên cứu lý luận về điện ảnh. Và dạy nghề, lớn hơn cả còn là sự truyền nghề với tất cả tài năng, nhiệt huyết, sự say mê và hiểu biết cụ thể chân tơ kẽ tóc nghề nghiệp. Không có nghề giỏi làm sao dạy nghề cho thế hệ sau?

Trước hết là yêu cầu phải “đủ giáo viên cơ hữu theo quy định” rất không thực tế với ngành nghệ thuật. Trong nghệ thuật, nghệ sĩ tài năng có thành tựu được phong tặng danh hiệu cao quý thường ở đơn vị nghệ thuật như nhà quay phim có biên chế ở xưởng phim, diễn viên nổi tiếng có biên chế ở nhà hát, đoàn nghệ thuật. Khác với một số nghề khác, diễn viên, nhà quay phim, đạo điễn dù có bằng tốt nghiệp đại học về ngành học diễn viên, quay phim đạo diễn nếu không xuất hiện trước công chúng cũng không thể gọi đó là diễn viên, quay phim, đạo diễn. Và trường đại học nghệ thuật làm gì có xưởng phim, nhà hát như một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp để nghệ sĩ chuyên hoạt động nghệ thuật, thành danh trước công chúng, tinh thông nghề nghiệp. 

Những NSND, NSƯT là người giỏi nghề, họ làm ở xưởng phim, có thực tế, có điều kiện làm phim thường xuyên mới có thể dạy nghề quay phim cho sinh viên. Diễn viên giỏi, nổi tiếng do gắn với nhà hát, đoàn diễn chứ diễn viên ra trường ở lại giảng dạy thành giáo viên cơ hữu thì làm sao thành nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng, giỏi nghề để dạy sinh viên. Vì thế, việc các trường năng khiếu phải mời giảng viên thỉnh giảng là điều dễ hiểu, làm sao có đủ giáo viên cơ hữu ăn lương biên chế của trường ĐH để đào tạo lớp kế cận. 

Sẽ giải tán các trường năng khiếu?

Vấn đề thầy dạy cho mỗi ngành học phải đủ 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ có thể hợp lý với ngành nghề khác song đối với đào tạo sinh viên nghệ thuật lại trở thành vô lý. Tiến sĩ, thạc sĩ là nhà khoa học, nhà nghiên cứu còn lĩnh vực nghệ thuật chỉ có NSND, NSƯT hay trong sáng tác có nhà sáng tác Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước chứ làm sao có Tiến sĩ quay phim , Thạc sĩ diễn viên, Nhà viết kịch Giáo sư! Trong ngành nghệ thuật cũng có nhiều tiến sĩ nghệ thuật học và đó là những nhà nghiên cứu về nghệ thuật. Họ am hiểu chuyện quay phim, biểu diễn, sáng tác trong hoạt động nghệ thuật trong nước và thế giới, nói vanh vách về từng nghệ sĩ nổi tiếng, từng giai đoạn, từng khuynh hướng nhưng chắc chắn không thể đào tạo ra được các nghệ sĩ biểu diễn, nhà quay phim, nhà viết kịch vì họ không rành nghiệp vụ quay phim, biểu diễn, sáng tác.

Cũng có những NSND, NSƯT có biên chế ở trường nhưng thực tế rất hiếm và thường là ở độ tuổi “sắp già” sau khi “tung hoành” trong sáng tạo nghề nghiệp tại các đơn vị nghệ thuật để đến khi về hưu cũng không thành giáo viên cơ hữu mà là giáo viên thỉnh giảng theo hợp đồng bởi nghệ thuật là “thầy già con hát trẻ” và đội ngũ nghệ sĩ là “gừng càng già càng cay”. Xin đừng coi người được phong danh hiệu cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, NSND, NSƯT khi không phải là tiến sĩ, thạc sĩ là người chỉ có kinh nghiệm và không đủ tri thức, trình độ khoa học để dạy nghề.

Có lẽ chỉ có ở ta mới cần thầy dạy trong các trường nghệ thuật phải là tiến sĩ, thạc sĩ. Những bậc thầy về đạo diễn sân khấu, đạo diễn, quay phim điện ảnh hoặc nghệ sĩ biểu diễn lừng danh trên thế giới được các trường đại học nổi tiếng trên thế giới mời về chưa thấy ai phải có thêm bằng tiến sĩ, thạc sĩ mới được đào tạo. Nghị quyết Trung ương về phát huy bảo tồn văn hóa dân tộc cần đào tạo nghệ sĩ tuồng chèo thì nghệ nhân đến trường ĐH Sân khấu điện ảnh dạy hát tuồng chèo cũng phải phấn đấu có bằng tiến sĩ, thạc sĩ mới có thể bảo tồn được văn hóa nghệ thuật truyền thống chăng?