Làm gì để khởi nghiệp thành công

ANTĐ - Khởi nghiệp luôn là ước mơ cháy bỏng của các bạn trẻ. Dù lựa chọn những con đường khởi nghiệp khác nhau nhưng họ luôn có chung một khát vọng được khẳng định mình và cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, làm cách nào để có thể biến ước mơ khởi nghiệp trở thành hiện thực lại là một câu hỏi mà nhiều bạn trẻ còn đang trăn trở. Những ý kiến dưới đây sẽ mở ra những góc nhìn, những cơ hội để tiếp lửa cho con đường khởi nghiệp của họ trở nên rộng mở.

Làm gì để khởi nghiệp thành công ảnh 1
Bắt đầu từ vai trò làm thợ

Làm gì để khởi nghiệp thành công ảnh 2

Đối với học sinh, sinh viên, học tập là quan trọng nhất. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn đoàn viên thanh niên phải chủ động nghiên cứu, nâng cao trình độ tri thức. Quá trình học tập giúp các bạn trẻ rèn luyện được những phẩm chất, kĩ năng cần thiết cho tương lai. Chúng ta đang hướng đến hình ảnh một quốc gia khởi nghiệp, tuy nhiên việc khởi nghiệp không thể quá vội vàng được.

Tôi cho rằng, trước khi làm thầy, bắt buộc bạn phải làm thợ. Chỉ có trải qua quá trình làm việc thực tế mới tích lũy được kinh nghiệm, sau đó khi thành lập doanh nghiệp mới có thể đưa ra các quyết định chính xác được. 

Hầu hết các doanh nhân thành đạt trên thế giới đều coi việc thu thập những kinh nghiệm cần thiết như quá trình khởi động sự nghiệp kinh doanh. Khởi nghiệp khi bạn chưa tìm hiểu kỹ về những vấn đề kinh doanh thì rất nguy hiểm, kinh doanh là tiền thật, sai là mất tiền, đồng nghĩa với phá sản.

Hãy tìm cho mình một ngọn hải đăng, một người đi trước cùng lĩnh vực để học hỏi. Chúng ta muốn thành công phải có người thầy hướng dẫn, dìu dắt mình. Hãy tìm đến những doanh nghiệp đã thành công, những tập đoàn lớn để tìm kiếm cơ hội giúp chúng ta cất cánh. Cuối cùng là không nên đánh mất những gì mình đang có, phải liên tục rèn luyện, trau dồi kiến thức. 

Bên cạnh nỗ lực của đoàn viên thanh niên, tôi cũng cho rằng, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp thành công) đối với vấn đề khởi nghiệp của thanh niên là rất lớn. Với trách nhiệm xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp phải trở thành kênh thông tin, là cầu nối để giúp đỡ, chia sẻ với các bạn trẻ những thông tin hữu ích, cung cấp cho các bạn những kĩ năng cần thiết trong quá trình lập nghiệp. 

Ông Phạm Đình Đoàn, (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái)

Lựa chọn chiến lược “bắn đạn nhỏ”

Làm gì để khởi nghiệp thành công ảnh 3

Các bạn đoàn viên thanh niên cần biết tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp không phải là 70% mà gần như 100% đối với sinh viên mới ra trường. Các dự án thu hút được vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm thì tỉ lệ thành công cũng chỉ từ 10- 20%. Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp, tôi thấy có rất ít dự án khởi nghiệp của người trẻ thu hút được đầu tư. Ngay tại FPT Ventures (Quỹ đầu tư khởi nghiệp Tập đoàn FPT) trong năm 2015, chúng tôi nhận được khoảng 200 hồ sơ nhưng chỉ có 1, 2 hồ sơ có thể cân nhắc.

Qua việc nghiên cứu hồ sơ khởi nghiệp, tôi thấy các bạn muốn khởi nghiệp nhưng chưa đủ kinh nghiệm để chứng tỏ năng lực khởi nghiệp thành công. Do đó, cơ hội trong các dự án không rõ ràng, chưa biết huy động và sử dụng nguồn vốn, thiếu kỹ năng quản lý. Đây là những điểm trừ kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, điều mà bất kì ai có ý định khởi nghiệp cũng cần phải rút kinh nghiệm.

Để khởi nghiệp thành công, điều quan trọng nhất phải chứng minh được bạn sở hữu điều gì khác biệt, đột phá như thế nào về công nghệ và đâu là năng lực cốt lõi. Bên cạnh đó, chúng ta phải tối ưu hóa sử dụng công nghệ để sáng tạo và khởi nghiệp. Vì nguồn vốn có hạn, hãy sử dụng chiến lược “bắn đạn nhỏ”. Nghĩa là không thể dồn toàn lực đầu tư vào một lĩnh vực nào đó mà phải liên tục thử nghiệm. Khi “đạn nhỏ” bắn trúng mục tiêu, mới bắt tay vào xây dựng những dự án có quy mô toàn diện hơn.

Ông Hoàng Việt Hà,(Giám đốc Điều hành Tập đoàn FPT)

Xây dựng chương trình quốc gia về khởi nghiệp

Làm gì để khởi nghiệp thành công ảnh 4

Trong bối cảnh làn sóng khởi nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, những câu chuyện về quốc gia khởi nghiệp Israel hay Facebook - mô hình “start up” làm thay đổi cả thế giới. Tinh thần khởi nghiệp làm kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã bắt đầu phát triển và có một vài mô hình khởi nghiệp thành công.

Chúng ta đang nỗ lực để khởi nghiệp trở thành một chương trình quốc gia. Sống trong không khí thời đại hội nhập đó, sứ mệnh của thanh niên phải gắn với mục tiêu phát triển nền kinh tế, trong đó khởi nghiệp là nội dung trọng tâm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều bạn trẻ biết đến khởi nghiệp một cách mơ hồ, mang nặng tính phong trào, thiếu thực chất.

Khởi nghiệp là phải có ý tưởng sáng tạo, lập nghiệp từ những sản phẩm khác biệt. Khi tôi công tác ở Nhật Bản đã đi tham quan một vườn chuyên thủy canh cây mướp đắng, chủ vườn cho biết nó được mang giống từ Việt Nam sang từ 7 năm trước. Nếu ở Việt Nam mướp đắng chỉ có thể tạo ra 3, 4 loại sản phẩm, thì tại đây có hơn 30 sản phẩm khác nhau được sản xuất ra từ loại cây này. Tôi cho rằng, những sản phẩm này chính là kết quả của sự sáng tạo. 

Như vậy, khởi nghiệp ngoài nghĩa bắt đầu sự nghiệp, về cơ bản còn phải gắn với việc tạo sản phẩm. Do đó, nếu khởi nghiệp chỉ dừng lại ở việc bắt chước hoặc cạnh tranh không lành mạnh sẽ không thể tồn tại được. Trong quá trình khởi nghiệp, đoàn viên thanh niên cần phải có tính tự tôn dân tộc cao như một số quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… 

PGS.TS Trần Đình Thiên,(Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)

Chấp nhận mạo hiểm

Làm gì để khởi nghiệp thành công ảnh 5

Mỗi năm ở Việt Nam có trên 1 triệu bạn trẻ gia nhập vào lực lượng lao động. Trong khi đó, khu vực Nhà nước bao gồm cả hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước đều đang trong quá trình tái cơ cấu, không có khả năng thu nhận thêm lao động. Khả năng tiếp nhận lao động của doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài) có hạn. Do đó, doanh nghiệp dân doanh trong nước chính là cỗ máy tạo ra việc làm cho các bạn trẻ. 

Hiện nay, chúng ta đã có môi trường kinh doanh khá thuận lợi, các bạn đoàn viên, thanh niên đều có thể khởi nghiệp mà không bị ràng buộc bởi cơ chế, chính sách. Đại hội Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế và phải tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh khu vực tư nhân, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Các bạn trẻ hãy dũng cảm bắt đầu những kế hoạch khởi nghiệp của mình. Việc lựa chọn, dấn thân làm kinh doanh là chấp nhận mạo hiểm. Thành công sẽ tạo ra lợi nhuận nhưng luôn luôn tồn tại rủi ro. 

Để khơi dậy đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng của các bạn trẻ thì khởi nghiệp không chỉ là lựa chọn mà phải trở thành nhận thức. Tuy nhiên, các bạn đoàn viên thanh niên cũng phải hiểu khái niệm khởi nghiệp theo nghĩa rộng. Thế giới nói đến “start up” với nghĩa là bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực có yêu cầu sáng tạo và đột phá về tăng trưởng. Khởi nghiệp bắt đầu một công việc không nhất thiết phải là mở doanh nghiệp sáng tạo hoặc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khởi nghiệp phải tiến tới lập nghiệp, vừa giải quyết được vấn đề việc làm, vừa đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Với xu hướng toàn cầu hóa cũng như yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế xã hội của nước ta cho thấy, tăng trưởng kinh tế không thể chỉ dựa vào lợi thế từ tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ mà cần phải dựa trên đổi mới, sáng tạo. Với trách nhiệm xây dựng đất nước, thế hệ thanh niên khởi nghiệp là động lực của quá trình đổi mới mô hình kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển tự chủ và bền vững. Do đó, bên cạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đoàn viên thanh niên phải chủ động học tập, rèn luyện kỹ năng, không ngại khó, ngại khổ, thử sức mình từ những việc nhỏ rồi sẽ thành công.

Ông Vũ Tiến Lộc, (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

Làm gì để khởi nghiệp thành công ảnh 6

Khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng, đưa tinh thần Thủ đô khởi nghiệp đến với thanh niên Hà Nội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức đoàn. Khởi nghiệp không chỉ giúp đoàn viên thanh niên lập thân, lập nghiệp mà góp phần tham gia xây dựng kinh tế Thủ đô ngày càng phát triển, vững bước trong thời kỳ hội nhập.

Ông Nguyễn Văn Thắng, (Bí thư Thành đoàn Hà Nội)