Lại xuất hiện bọ xít hút máu người

ANTĐ - Từ đầu mùa hè đến nay, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã phát hiện 7 ổ bọ xít hút máu người rải rác ở các quận nội thành Hà Nội.
 Anh Lệnh cho xem một con bọ xít hút máu bị bắt nhốt vào chai
 Anh Lệnh cho xem một con bọ xít hút máu bị bắt nhốt vào chai
 

Nhiều người bị tấn công
Trong vài ngày trở lại đây, tại khu vực dốc BV Phụ sản Hà Nội, khá nhiều người dân đã bị bọ xít hút máu người tấn công. Anh Nguyễn Văn Lệnh, trọ tại số nhà 36, ngách 26+27, dốc BV Phụ sản Hà Nội là một trong những nạn nhân đã bị bọ xít hút máu người đốt và phải vào BV khám đến 2 lần chỉ trong vòng có 5 ngày. Lần thứ nhất vào đêm 10-7, anh bị bọ xít đốt khi ngủ khiến vết đốt đau rát, ngứa toàn thân. Anh phải vào BV 354 khám ngay trong đêm. Rạng sáng 14-7, một lần nữa anh lại bị bọ xít hút máu người đốt. Cũng giống như lần trước, sau khi bị đốt, anh Lệnh dậy bật sáng điện thì phát hiện con bọ xít hút máu người vẫn còn nằm trên màn, ngay gần cánh tay của mình và bảo vợ bắt nhốt vào chai làm vật chứng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại khu vực dốc BV Phụ sản Hà Nội sáng 14-7, khu vực này có rất nhiều nhà trọ chật chội, đông người ở và không đảm bảo vệ sinh. Theo kinh nghiệm phát hiện bọ xít hút máu người những năm trước thì đây chính là môi trường thích hợp cho bọ xít hút máu người ẩn nấp và phát triển. Nhiều người dân trong khu vực cũng cho biết đã bắt gặp bọ xít hút máu người trong nhà của mình. Bà Ngô Thị Yến sống tại khu vực này kể, có lần bà đã bắt được một con bọ xít hút máu người mang lên trạm y tế của phường Ngọc Khánh để trình báo và được cán bộ y tế phường cho biết đó chính là loại bọ xít hút máu người đã được phát hiện tại Hà Nội khá nhiều vài năm gần đây.

Vẫn là loại bọ xít cũ
Về vấn đề này, TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, Viện cũng đã phát hiện 7 ổ bọ xít từ 30 - 50 cá thể, rải rác ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Gia Lâm… Bên cạnh đó, Viện cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi đến từ người dân phản ánh việc họ bị bọ xít hút máu đốt, trong đó rất nhiều người cho biết họ phải đi BV vì vết đốt sưng tấy, ngứa rát không chịu được. Theo TS. Lam, qua thu thập các cá thể bọ xít năm nay cho thấy, đây vẫn là loài bọ xít hút máu như năm ngoái nhưng khả năng tấn công con người của chúng có dấu hiệu tăng lên, có thể vì chúng dạn người hơn.

TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, tại nước ta, bọ xít hút máu đã xuất hiện từ lâu nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh loài bọ xít này có thể lây truyền bệnh. Ông Bình khẳng định, loài bọ xít hút máu này khi đốt chỉ gây cảm giác khó chịu, đau rát và ngứa tại vết đốt, đặc biệt là đối với người có cơ địa dị ứng. Vì thế, khi bị bọ xít đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu cần ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào màn đốt người. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, phun diệt bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành nếu phát hiện thấy bọ xít.