Lại trỗi dậy nỗi ám ảnh “văn hóa súng đạn” trong trường học ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thứ văn hóa bạo lực - “Văn hóa súng đạn” với hàng trăm vụ xả súng mỗi năm khiến hàng trăm người thương vong lại một lần nữa trỗi dậy ám ảnh nước Mỹ nói chung, các trường học ở Mỹ nói riêng bởi vụ xả súng đẫm máu khiến nhiều học sinh và giáo viên thương vong vào thời điểm vừa bắt đầu năm học mới chưa lâu.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại trường trung học Apalachee khiến 4 người chết và hàng chục người bị thương

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại trường trung học Apalachee khiến 4 người chết và hàng chục người bị thương

Vụ xả súng đẫm máu đầu năm học mới

Văn phòng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại thành phố Atlanta thuộc bang Georgia đang khẩn trương điều tra vụ xả súng tại trường trung học Apalachee vào ngày 4-9 khiến 4 người chết và hàng chục người khác bị thương. Cảnh sát đã triệu tập và thẩm vấn nghi phạm xả súng Colt Gray mới 14 tuổi cùng người cha trong vụ xả súng trường học đẫm máu mà các nạn nhân đều là học sinh và giáo viên, trong đó, người cha bước đầu khai nhận, trong nhà có súng săn song Colt Gray không được phép tiếp cận vũ khí mà không bị giám sát.

Trước đó, ngay sau khi nổ súng vào các học sinh và giáo viên trường Apalachee, nghi phạm Colt Gray đã đầu hàng cảnh sát và bị bắt giữ. Các nhà điều tra đang nỗ lực xác định nguyên nhân vụ xả súng nhưng cho biết, có thể “mất nhiều ngày” mới có thể có câu trả lời. Nghi phạm Colt Gray là người đầu tiên dưới 15 tuổi thực hiện xả súng trường học làm chết người kể từ năm 1999. Colt Gray hiện đang đối mặt cáo buộc giết người và dự kiến sẽ bị xét xử như người trưởng thành. Vụ xả súng trường học khiến 4 người chết và hàng chục người khác bị thương tại trường trung học Apalachee là vụ xả súng trường học gây chết người đầu tiên ở bang Georgia kể từ năm 1999. Vụ xả súng trường học không chỉ gây chấn động dư luận tại bang Georgia mà cả nước Mỹ trong bối cảnh quốc gia này vừa bắt đầu năm học mới được vài tuần.

Nhà Trắng trong một thông báo ngay sau vụ xả súng tại trường trung học Apalachee cho biết, Tổng thống Joe Biden đã được tóm tắt về vụ việc. Tổng thống Joe Biden cho biết ông và Đệ nhất phu nhân Mỹ “đều cảm thấy tiếc thương cho những người đã bị tước đoạt mạng sống vì tình trạng bạo lực súng đạn ngày càng vô cảm này và nghĩ về tất cả những người sống sót mà cuộc đời họ đã thay đổi mãi mãi”, đồng thời kêu gọi đảng Cộng hòa làm việc với đảng Dân chủ để thông qua một dự luật về an toàn súng đạn.

Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ, đã gọi vụ xả súng là một thảm kịch vô nghĩa. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta phải ngăn chặn điều này. Chúng ta phải chấm dứt nạn bạo lực súng đạn này”. Là thành viên đảng Cộng hòa có xu hướng ủng hộ tự do súng đạn, cựu Tổng thống Donald Trump cũng viết trên mạng xã hội rằng: “Trái tim của chúng tôi luôn ở bên các nạn nhân và người thân của họ trong thảm kịch này ở Winder, Georgia. Những đứa trẻ đáng yêu bị tước khỏi chúng ta quá sớm bởi một con quái vật loạn trí và bệnh hoạn”.

Vụ xả súng trường học tại bang Georgia là vụ xả súng hàng loạt đầu tiên trong khuôn viên trường kể từ đầu năm học mới 2024-2025 và cũng là vụ xả súng ở trường học thứ 45 tại Mỹ kể từ từ đầu năm 2024 tới nay. Theo thống kê của hãng CNN, trong năm 2023 đã có tới 83 vụ xả súng tại trường học ở Mỹ.

Trước đó, nước Mỹ từng lo ngại sâu sắc về sự gia tăng đáng báo động tình trạng xả súng trường học trong năm 2022 khi số vụ nổ súng lên mức cao nhất lịch sử trong năm thứ hai liên tiếp. Dữ liệu do Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia Mỹ (NCES) tổng hợp ghi lại rằng trong năm 2021 - 2022, tại các trường công và tư tại Mỹ, gồm cả cấp tiểu học và trung học, đã xảy ra tổng cộng 327 vụ xả súng, con số cao kỷ lục tính tới thời điểm đó. Sự bùng nổ của các vụ xả súng trong năm 2022 khiến số vụ nổ súng tăng gấp 2 lần so với năm trước đó, cao hơn bất kỳ năm nào kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thống kê cách đây 25 năm.

Vấn nạn nhức nhối kéo dài

Nước Mỹ đã chứng kiến hàng trăm vụ xả súng học đường trong hơn 2 thập kỷ qua. Trong đó, vụ thảm sát đẫm máu nhất khiến 32 người thiệt mạng, gồm 27 sinh viên và 5 giảng viên, và hơn 10 người khác bị thương xảy ra tại Đại học Bách khoa Virginia ở Blacksburg, bang Virginia vào ngày 16-4-2007.

Mối đe dọa về bạo lực súng đạn là nỗi ám ảnh không nhỏ với học sinh và sinh viên tại Mỹ, điều mà hầu hết các nước khác trên thế giới không có, thậm chí thấy xa lạ. Từ khi còn nhỏ, học sinh Mỹ đã được thực hành các bài tập ứng phó với những sự việc như tấn công súng đạn, học cách ẩn nấp trong các lớp học tắt đèn và có rào chắn cửa ra vào.

Như một biện pháp phòng ngừa thường nhật, một số trường học khóa cửa trước và cửa mỗi lớp học để ngăn chặn bất kỳ tay súng nào có thể đột nhập vào trường và gây ra tội ác. Tại bang Texas, thậm chí có một chương trình giúp đào tạo giáo viên sử dụng và mang theo súng ngắn để phòng vệ trong trường hợp cần thiết. Sự gia tăng đáng báo động các vụ xả súng cũng khiến nhiều trường học ở Mỹ phải lắp đặt cửa sổ và cửa ra vào chống đạn, khóa đặc biệt, máy dò kim loại, thậm chí thuê nhân viên an ninh có vũ trang…

Tuy nhiên, ám ảnh bạo lực súng đạn vẫn đeo bám thày và trò ở Mỹ bởi nhìn rộng ra súng đạn từ lâu đã trở thành thứ văn hóa bạo lực - “Văn hóa súng đạn” với hàng trăm vụ xả súng mỗi năm, khiến hàng trăm người thương vong. Thế nhưng, cuộc đấu tranh chống lại thứ bạo lực chết chọc này, đặc biệt là việc ban hành lệnh kiểm soát nghiêm ngặt hơn với việc sở hữu súng đạn, vẫn hết sức khó khăn và dai dẳng tại nước Mỹ.

Có nhiều nguyên nhân được nêu ra cho tình trạng bạo lực súng đạn dù được cảnh báo liên tục nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối lâu nay đối với nước Mỹ. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng hàng đầu là do nước Mỹ có luật và chính sách về súng đạn lỏng lẻo hơn nhiều so với các quốc gia khác. Quyền liên bang về sở hữu súng thậm chí còn được đưa vào Hiến pháp từ năm 1791 thông qua Tu chính án thứ hai. Theo đó, việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người ở Mỹ, chỉ sau quyền tự do ngôn luận. Hiện có khoảng một nửa trong số 51 bang ở Mỹ cho phép người sử dụng súng mang nó ra đường.

Việc mua súng đạn cũng khá dễ dàng, người mua phải qua một lớp kiến thức cơ bản về sử dụng súng rồi hồ sơ cá nhân của họ sẽ được gửi tới Văn phòng quản lý các vấn đề liên quan đến rượu, thuốc lá, súng đạn và chất nổ. Nếu đạt yêu cầu thì sau 3 ngày, người mua sẽ nhận được “giấy phép vũ khí liên bang” và có thể mua súng ngắn, súng ổ quay, súng săn và cả súng trường quân sự, muốn mua mấy khẩu cũng được chỉ với điều kiện phải mua súng tại các cửa hàng do chính phủ quản lý.

Ước tính, hiện người Mỹ sử dụng khoảng 400 triệu khẩu súng, thế nên dù chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu nhưng nước Mỹ sở hữu 42% các loại súng có trên thế giới. Tại một đất nước “có rất nhiều súng” như nước Mỹ với số súng nhiều hơn số người dân cả nước thì sẽ có nhiều bạo lực súng đạn hơn dưới mọi hình thức.

Hàng chục năm qua, nội bộ nước Mỹ luôn chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ trước mỗi kỳ bầu cử quan trọng, song chưa bao giờ các thành viên hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đạt được sự thống nhất. Các cuộc thăm dò cho thấy, đa phần thành viên đảng Dân chủ nghĩ rằng nước Mỹ sẽ an toàn hơn nếu ít người hoặc không ai có súng, nhưng ngược lại nhiều thành viên đảng viên Cộng hòa lại cho rằng, an ninh nước Mỹ sẽ được bảo đảm nếu nhiều người hoặc tất cả mọi người đều có súng nhưng cả hai phía đều đồng ý về độ tuổi.

Cuộc chiến pháp lý về việc siết chặt thêm việc sử hữu súng đạn ở Mỹ vì thế vẫn chưa thể ngã ngũ và “văn hóa súng đạn” ở quốc gia này vẫn là một vấn nạn nhức nhối kéo dài.