“Lá đỏ” đã rụng về cội

ANTĐ - Nhạc sỹ của những tình ca bất hủ: Câu hò bên bến Hiền Lương, Lá đỏ, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Nhớ về Hà Nội… đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 9-1 tại TP.HCM, ở tuổi 82. 

Người ta luôn nhớ về một Hoàng Hiệp trữ tình và sâu lắng

Sự ra đi của nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã để lại niềm tiếc thương trong lòng những người yêu mến ông. Những ca khúc do Hoàng Hiệp viết thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ truyền xúc động. Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói, cho cải lương, cho phim truyện và phim tài liệu. Ông còn là dịch giả cuốn “Nhạc lý cơ bản của Spasspbine” và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc. Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội. 

Nhạc sĩ Hồng Đăng kể, ông rất bất ngờ khi nhận được tin bạn ông, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã ra đi, cho dù trước đó vài ngày, qua bạn bè, ông có biết Hoàng Hiệp ốm nặng, nhưng vẫn cứ hy vọng ông sẽ qua khỏi. Nhạc sĩ Hồng Đăng kể, năm 1956, các lớp bồi dưỡng về VHNT được tổ chức với sự tham gia của  các văn nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc. Học viên của các khóa học đó sau này đều là những tên tuổi nổi tiếng như Tô Ngọc Thanh, Huy Thục, Trương Đình Quang, Vĩnh Cát, Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng…

Hình ảnh của nhạc sĩ “Lá đỏ” trong con mắt bạn bè luôn là người tế nhị, vui vẻ, rất hiếm khi thấy ông nổi nóng. Ông cũng là người ít viết về tình yêu, nhưng đã viết bài nào thì hẳn là bài hát đó xuất sắc. Các sáng tác của ông xét về số lượng không quá đồ sộ, nhưng đều là những tác phẩm giá trị, ngôn ngữ âm nhạc sang trọng và được nhiều người yêu thích. Hoàng Hiệp bắt đầu viết nhạc từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng chỉ đến khi “Câu hò bên bến Hiền Lương ra đời” lúc đó người ta bắt đầu biết đến một Hoàng Hiệp ở góc nhìn mới, trữ tình và sâu lắng. Những sáng tác của Hoàng Hiệp đã để lại dấu ấn sâu sắc cho dòng nhạc Việt, không đao to búa lớn, mà gần gũi, giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc và đáng trân trọng tự hào.

NSƯT Hữu Châu biết đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp từ rất lâu qua những giai điệu ngọt ngào của “Nhớ về Hà Nội”. “Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi, dù ở lĩnh vực nào đều nghiêng mình trước ông. Chúng tôi đã cầu nguyện để ông vượt qua cơn bạo bệnh, nhưng sự ra đi của ông cũng thuận theo quy luật cuộc sống. Tôi tin ông sẽ luôn mỉm cười vì ca khúc của ông mãi mãi lưu dấu trong cuộc sống hôm nay và cả mai sau”- NS Hữu Châu xúc động chia sẻ. NSND Thu Hiền thì nhớ mãi về lần đầu chị được nghe ca khúc “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Lúc đó chị đã mong có một ngày mình được thể hiện bài hát đầy cảm xúc này. Rồi ước mơ đó đã thành hiện thực, “Câu hò bên bến Hiền Lương” đã gắn liền với tên tuổi của Thu Hiền cho tới tận ngày hôm nay, với NSND Thu Hiền đó là niềm vinh dự. 

Tang lễ của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ TP.HCM vào ngày 11-1.