Kỳ vọng ở cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong cuộc điện đàm ngày 14-4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc tổ chức cuộc gặp mặt đầu tiên. Cuộc gặp đang hứa hẹn sẽ diễn ra ngay vào mùa hè năm nay và tại một nước trung gian thứ ba - theo đề nghị từ phía Mỹ, có thể là nút tháo gỡ cho hàng loạt vấn đề khúc mắc trong quan hệ Mỹ - Nga, vốn chẳng hề tốt đẹp trong suốt thời gian dài vừa qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa hẹn sẽ có cuộc gặp mặt đầu tiên

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa hẹn sẽ có cuộc gặp mặt đầu tiên

Tái khẳng định mục tiêu xây dựng quan hệ

Bản tin chính thức về nội dung cuộc điện đàm trên do Nhà Trắng cung cấp cho biết rõ ông Joe Biden tái khẳng định mục tiêu của mình là xây dựng “một mối quan hệ ổn định và có thể đoán được đối với Nga và nhất quán với những lợi ích của Mỹ”.

Cùng ngày 14-4, Điện Kremlin cũng thông báo rằng theo sáng kiến của phía Mỹ, ông Putin và ông Biden đã tiến hành điện đàm. Theo thông báo từ điện này, cả Nga và Mỹ đều bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại về các lĩnh vực quan trọng nhất của đảm bảo an ninh toàn cầu, đáp ứng lợi ích không chỉ của Nga và Mỹ, mà của toàn bộ cộng đồng thế giới.

Đây là cuộc điện đàm thứ hai và là đề xuất đầu tiên về một cuộc gặp mặt chính thức giữa ông Biden và ông Putin. Cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai ông diễn ra vào tháng 1-2021, ngay sau khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ và trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang căng thẳng về vụ bắt giữ nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny. Sau đó, mối quan hệ giữa Washington và Mátxcơva, vốn chưa thể hồi phục sau cuộc điện đàm đầu tiên, lại trở nên tồi tệ hơn sau khi ông Biden lên tiếng chỉ trích ông Putin tại một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 3 sau đó. Ngay lập tức, ông Putin đáp trả rằng “cú đâm dao” của ông Biden nhằm vào mình đã phản ánh quá khứ đầy khó khăn của nước Mỹ.

Vì thế, cuộc điện đàm thứ hai và đề xuất gặp mặt được coi là tín hiệu mới nhất cho thấy sự hạ nhiệt từ phía Mỹ trong quan hệ với Nga trên nền căng thẳng gia tăng trong thời gian qua. Đề xuất gặp mặt được coi là khả năng tạo tiền đề cho cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga đầu tiên kể từ năm 2018, kể từ khi ông Putin hội đàm với cựu Tổng thống Donald Trump ở Helsinki (Phần Lan). Dù vậy, hiện cả Điện Kremlin và Nhà Trắng đều chưa cho biết ý kiến của ông Putin về đề xuất gặp mặt.

Sau cuộc điện đàm Nga - Mỹ thứ hai, Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ dự đoán mối quan hệ với Nga vẫn sẽ là một thách thức, song hy vọng hai nước có thể phối hợp cùng nhau.

Những căng thẳng bên ngoài vẫn tiếp diễn

Cuộc điện đàm thứ hai giữa ông Biden và ông Putin diễn ra khoảng vài giờ đồng hồ sau khi Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi Nga ngừng hoạt động xây dựng, củng cố quân sự tại biên giới tiếp giáp Ukraine. Trong đó, NATO mô tả động thái này của Mátxcơva là một “hành động phi lý, không thể giải thích và gây quan ngại sâu sắc”. Tại cuộc điện đàm với ông Putin, ông Biden hối thúc Nga hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới với Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Mỹ tôn trọng vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Kiev.

Ông Biden còn nói về các cáo buộc tấn công mạng và can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm vào phía Mátxcơva. Còn phía Điện Kremlin tiết lộ rằng hai bên đã thảo luận cả về cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc khủng hoảng khí hậu và các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran.

Theo Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki, con đường ngoại giao là lộ trình duy nhất để tiến lên và việc có một cuộc thảo luận, dù là gián tiếp, cũng là cách tốt nhất để dẫn tới một giải pháp về vấn đề Iran. Trong khi đó, cùng ngày 14-4, trong báo cáo gửi các nước thành viên, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Mariano Grossi xác nhận Iran đã thông báo sẽ bắt đầu làm giàu urani ở mức 60%. Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi cũng khẳng định nước này bắt đầu làm giàu urani ở mức 60% và dự kiến triển khai thêm 1.000 máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz, vốn vừa bị tấn công hôm 11-4.