"Kỳ vọng lớn vào du lịch Thủ đô"

ANTĐ - Việc Sở Du lịch Hà Nội chính thức ra mắt ngày 21-9 được coi là bước tiến quan trọng, nhằm tạo sức bật cho sự phát triển du lịch Hà Nội nói riêng và cho Thủ đô Hà Nội nói chung, vốn là một trong những cửa ngõ quan trọng đón du khách quốc tế vào Việt Nam. Tân Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã có những chia sẻ với báo chí về  sự kiện này.

"Kỳ vọng lớn vào du lịch Thủ đô" ảnh 1Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo (giữa) trao quyết định bổ nhiệm cho lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội

- PV: Theo ông, việc Hà Nội có một Sở Du lịch có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển du lịch Thủ đô?

- Ông Đỗ Đình Hồng - tân Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Du lịch Thủ đô đã và đang làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, việc thành lập Sở Du lịch Hà Nội là cần thiết, để huy động tối đa nguồn lực, thế mạnh của Thủ đô, không chỉ về vị trí hành chính mà còn có nhiều yếu tố khác, trong đó có tài nguyên du lịch, tài nguyên con người. 

- Những việc Sở Du lịch Hà Nội cần làm khi đi vào hoạt động là gì, thưa ông? 

- Mặc dù mới thành lập, nhưng Sở Du lịch nhận được nhiều sự kỳ vọng của các cấp chính quyền, của người dân để tạo sức bật cho du lịch Hà Nội. Bởi vậy, chúng tôi sẽ nỗ lực, hướng tới xây dựng dịch vụ du lịch hoàn chỉnh. Cùng với đó, là phát huy sức cạnh tranh của du lịch Thủ đô  như hợp tác với những đoàn ngoại giao để xây dựng những gói sản phẩm chất lượng phục vụ du khách. 

- Sở Du lịch có kế hoạch xây dựng gói sản phẩm du lịch theo hướng nào, thưa ông?

- Du lịch Thủ đô có rất nhiều tài nguyên cũng như các sản phẩm du lịch. Trong thời gian tới, chúng tôi hướng tới việc xây dựng, định hình gói sản phẩm du lịch xung quanh hồ Tây - một điểm du lịch rất đặc biệt của Hà Nội. Bên cạnh đó là khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu chính trị Ba Đình gắn với Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Hay gói sản phẩm vừa gắn với văn hóa, vừa gắn với cảnh quan thiên nhiên như ở Ba Vì, chùa Hương (Mỹ Đức), hay đền Gióng (Sóc Sơn)…

"Kỳ vọng lớn vào du lịch Thủ đô" ảnh 2Du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những điểm 
du lịch hấp dẫn tại Hà Nội. Ảnh: THUẦN THƯ

- Chúng ta đều biết du lịch Hà Nội có tiềm năng giá trị văn hóa - lịch sử, nhưng chưa khai thác hiệu quả?

- Như tôi vừa nói, ví dụ ở hồ Tây hiện nay chúng ta đang có những con đường xung quanh hồ hết sức thơ mộng, nước hồ cũng đã trong xanh trở lại. Đặc thù ở đây là có những điểm di tích rất độc đáo, gắn với cảnh quan thiên nhiên, lại tập trung lượng lớn người nước ngoài sinh sống và làm việc - sự giao thoa văn hóa là rất lớn. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để khai thác giá trị đó một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc xây dựng sản phẩm phải có thời gian, chúng tôi sẽ từng bước xây dựng lộ trình và báo cáo với UBND TP. 

- Trong thời gian vừa qua, du lịch Hà Nội cũng còn tồn tại một số thực trạng như lái xe taxi, hay đánh giày bắt chẹt khách. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

- Tôi cho rằng, trong số hàng vạn lái xe taxi, những trường hợp nói trên chỉ số ít. Nhưng những hành vi đó lại gây ấn tượng xấu tới hình ảnh du lịch Thủ đô. Để xảy ra tình trạng này không chỉ cơ quan chủ quản  có trách nhiệm mà Sở Du lịch cũng như CATP Hà Nội cũng hết sức quan tâm. Tuy nhiên, so với việc xử phạt từng trường hợp, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các hãng taxi, từng cá nhân… để họ hiểu, tiếp thu thì sẽ tốt hơn rất nhiều. 

- Theo đánh giá của nhiều người, du lịch Hà Nội chưa có tính chuyên nghiệp cao nếu so với một số khu vực như miền Trung hay miền Nam. Sở Du lịch có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Hà Nội?

- Đây là vấn đề thuộc về đào tạo nguồn nhân lực. Mỗi người, mỗi cá nhân tiếp xúc với khách du lịch cần phải được đào tạo, quan tâm một cách bài bản. Đây cũng là một trong hai nhiệm vụ mà Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Du lịch cần sớm thực hiện trong thời gian tới. 

- Xin cảm ơn ông!