- Người trẻ nhìn lại năm cũ trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
- Thế giới cảnh giác cao độ với biến thể Omicron
Những tín hiệu lạc quan tích cực đầu năm mới Nhâm Dần giúp chúng ta thêm niềm tin vào sự bứt phá sau đại dịch |
Năng lượng nội sinh vượt thử thách khắc nghiệt
Trong chương trình “Xuân quê hương” được tổ chức trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Trong bão táp, sóng cả của năm qua, dù chuyển động chậm hơn, nhưng con tàu Việt Nam vẫn tự tin tiến lên với những thành tựu toàn diện về kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa xã hội... thể hiện nội lực, tiềm năng, vị thế mới của đất nước. Đó là minh chứng cho bản lĩnh, khát vọng, ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, cả người dân trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài”. Có thể nói, đất nước ta đã trải qua một năm đầy sóng gió với khó khăn bởi đại dịch Covid-19 nhưng với trí tuệ, bản lĩnh, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã kiên cường vượt qua thử thách, gian nan.
Chúng ta đã trải qua ba đợt dịch Covid-19 trong năm 2022, năm đầu tiên đại dịch xuất hiện và hoành hành trên thế giới bao gồm đất nước ta, song những khó khăn, thử thách khắc nghiệt nhất do dịch bệnh là năm 2021 với làn sóng dịch thứ tư do biến chủng Delta gây ra. Đại dịch đã gây ra những tổn thất to lớn về sinh mạng với hơn 38 nghìn người tử vong cũng như thiệt hại nặng nề về kinh tế-xã hội. Trong đó, tăng trưởng kinh tế năm qua chỉ đạt 2,58%, dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương nhưng đây là mức tăng GDP thấp nhất trong 30 năm qua.
Thế nhưng, càng trong gian khó, càng thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, ý chí, bản lĩnh, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Nền kinh tế nước ta đã dần vượt qua thời điểm khó khăn và bước vào giai đoạn phục hồi. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm 2021 khởi sắc, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020.
Các chỉ số quan trọng của nền kinh tế có sự tăng trưởng tích cực, khả quan. Thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và là quốc gia xuất siêu liên tục 6 năm. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục 48,6 tỷ USD.
Những thành tích đạt được trong năm qua là kết quả của sự cố gắng và nỗ lực to lớn của đất nước chúng ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sát sao của Đảng, sự quản lý, điều hành tích cực, hiệu quả của Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ta. Những thành tựu đó giúp củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Qua thử thách, nhân dân một lòng thực hiện đại đoàn kết rộng rãi trong nước và quốc tế, tỏa sáng tinh thần nhân văn sâu sắc và đạo lý truyền thống cao đẹp được kết tụ từ ngàn đời. Đó là năng lượng nội sinh - cội nguồn sức mạnh để chúng ta vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt nhất.
Những tín hiệu lạc quan tích cực đầu năm mới Nhâm Dần giúp chúng ta thêm niềm tin vào sự bứt phá sau đại dịch |
Sức mạnh “mãnh hổ” bứt phá
Sức mạnh nội lực giúp chúng ra vượt qua năm Tân Sửu đầy gian khó cũng chính là nguồn sức mạnh để để cả nước cùng bứt phá, vững vàng vươn lên phía trước trong năm Nhâm Dần 2022 này. Đây là năm có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Năm được kỳ vọng sẽ hồi sinh mạnh mẽ, bỏ đại dịch lại phía sau.
Niềm tin về một năm bứt phá sau đại dịch càng được củng cố hơn khi mà đất nước ta bước sang năm mới Nhâm Dần với nhiều dấu hiệu phục hồi kinh tế - xã hội đầy lạc quan. Ngay trong tháng 1-2022, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới và 19.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay, đánh dấu bước khởi đầu đầy triển vọng của nền kinh tế Việt Nam sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Tính đến trước Tết Nhâm Dần 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm đạt 36,9 triệu USD, gấp 11,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1-2022, Chính phủ đã cho phép mở lại hơn 10 đường bay quốc tế, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là nhu cầu về Tết của đồng bào xa quê. Sau 2 năm gần như tê liệt bởi dịch Covid-19, việc mở lại các đường bay quốc tế và điều chỉnh các quy định về xét nghiệm khi lên, xuống máy bay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả trong phòng, chống dịch và mở ra nhiều cơ hội phục hồi mạnh mẽ về kinh tế, thúc đẩy đầu tư, du lịch và sản xuất kinh doanh...
Với chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân đang được triển khai, mở rộng đối tượng bao phủ vaccine phòng Covid-19 và thực hiện mũi tiêm nhắc lại, khả năng mở lại tất cả chuyến bay quốc tế từ đầu tháng 4-2022 cũng hết sức khả quan, thậm chí một số ý kiến đang mong đợi hoạt động này trở lại sớm hơn mốc thời gian trên. Ngành du lịch cũng đã có những dấu hiệu phục hồi lạc quan sau 2 tháng thực hiện thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” với 7,8 nghìn lượt du khách. Du lịch nội địa và quốc tế đang đứng trước nhiều cơ hội rộng mở sau hai năm “rơi thẳng đứng” do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngày 30-1 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Gói hỗ trợ trị giá 340.000 tỷ đồng bao phủ toàn diện từ phòng, chống dịch bệnh, tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, cải cách thể chế được triển khai ngay từ quý I-2022 sẽ là “cú hích” cho nền kinh tế vực dậy sau đại dịch.
Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải ra sức thực hiện các mục tiêu đã đề ra để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của năm 2022, mà trọng tâm là: Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tiếp tục kiểm soát phòng, chống dịch bệnh, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn.
Với những dấu hiệu tích cực và lạc quan những ngày đầu Xuân mới này, chúng ra hoàn toàn có quyền kỳ vọng về sức mạnh “mãnh hổ” bứt phá trong năm Nhâm Dần 2022 này.