Trở thành những chiến sĩ quả cảm
Nhưng đó lại là một câu chuyện thật 100%, thật đến nỗi quá giản dị mà vô cùng sâu đậm. Đêm 19-12-1946, quân và dân Hà Nội đã đứng lên nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ và anh dũng của dân tộc. Trong cuộc chiến mở màn “như không hề có sự chia ly ấy” đã có rất nhiều chàng trai, cô gái Hà thành mới trước đó còn là người bình thường bỗng chốc trở thành chiến sĩ quả cảm. Họ bước vào cuộc chiến đấu 60 ngày đêm với quân Pháp “nhẹ tênh”, vô tư đến độ không biết mình đã thành người chiến sĩ. Cứ thế, những chàng trai, cô gái Hà thành xa nhà biền biệt cho tới mãi tháng 10-1954 mới trở về Hà Nội. Họ có mặt trong đoàn quân trùng trùng điệp điệp tiến về tiếp quản Thủ đô giữa niềm hân hoan của những người cha, người mẹ, người chị, người em.
Mấy năm trước, dạo mà Giáo sư, Tiến sĩ, NSND Lê Ngọc Canh còn sống, tôi và ông hay gặp nhau, phần vì công chuyện, phần vì tôi rất kính trọng ông. Tôi không học ông một ngày nào, nhưng trò chuyện cùng ông tôi thường xưng “em” và gọi ông là “thầy”. Có hôm ông tìm tới cơ quan tôi, vừa ngồi xuống ghế chưa kịp uống chén nước tôi mời đã nói luôn: “Thầy đến chơi với em. Xem công việc của em dạo này thế nào”. Giản dị vậy thôi, thầy trò chúng tôi ngồi dưới trời thu Hà Nội mà trò chuyện. Giáo sư Lê Ngọc Canh hỏi: “Em có biết tên gọi làng Đa Sĩ là thế nào không?”. Tôi cười, vì ai mà chẳng biết làng Đa Sĩ ở Hà Đông (nay là phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) nổi tiếng với nghề làm dao kéo. Nghe tôi trả lời, ông cũng cười to rồi nói: “Làng Đa Sĩ được biết đến vì ngoài nghề rèn dao kéo còn là làng có nhiều sĩ tử, đỗ đạt khoa cử cao”.
Các em nhỏ phố Hàng Đào vẫy cờ hoa chào đón các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trong ngày 10-10-1954 (ảnh sưu tầm) |
Chỉ nghĩ hôm nay thầy Canh đến chơi nói chuyện tên làng, vậy mà trong tiết thu Hà Nội, ông kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. Thì ra, hồi nhỏ cậu bé Lê Ngọc Canh được gia đình cho ra Hà Nội học, cứ vài ba ngày lại nhảy tàu điện hoặc đi bộ từ Ngã Tư Sở để về làng. Thầy kể, hôm đó là sáng 19-12-1946, cậu học trò Canh lại “trốn” về làng thăm u. Lúc đó, tình hình Hà Nội rất nóng. Gặp con, bà mẹ vui lắm nhưng vẫn nghiêm khắc: “Con phải cố mà học, đừng trốn về nữa”. Ngờ đâu, sau lần gặp đó phải hơn 8 năm cậu mới về thăm nhà. Đêm hôm ấy, trời Hà Nội ầm vang tiếng súng, cậu bé Canh đã trở thành “Vệ Út” đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Lê Ngọc Canh hòa vào cuộc chiến đấu rồi sau 60 đêm cùng rút lên Việt Bắc theo các anh, các chị trong Trung đoàn Thủ đô.
Những ngày ở chiến khu, các anh chị bộ đội thấy chú bé Canh lanh lợi nên “phân công” vào bộ phận văn nghệ của đơn vị. Lê Ngọc Canh được học múa, học hát rồi đến ngày 10-10-1954 mới cùng các anh các chị trong đơn vị tiến về Hà Nội. Thầy Canh kể: “8 năm xa nhà nên ngày trở về thầy háo hức lắm, ấy vậy mà đâu có được về thăm u ngay đâu. Phải 10 ngày sau đơn vị mới giải quyết cho về phép. Gặp thầy đã khôn lớn nhẽ ra phải mừng, đằng này u của thầy cứ ôm lấy con mà khóc. Khóc xong, như nhớ ra điều gì, bà hỏi ngay: “Mày không trốn về đấy chứ?”. Thầy cười trả lời: “Con nhớ u thì con về thôi”. Bà hốt hoảng đẩy ra nên thầy phải khai thật: “Con nói đùa thôi, đơn vị cho con về phép thăm nhà, giấy phép đây u này”.
Ra đi để trở về
Hồi tôi mới đi bộ đội, làm anh lính binh nhì nên được phân công vào đơn vị chiếu bóng. Một tối tháng 12-1975, đội chiếu bóng của chúng tôi chiếu ra mắt cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bộ. Năm ấy rét kinh khủng, tôi đang co ro đứng chịu lạnh bên chiếc máy nổ thì thấy người ấm sực lên. Hóa ra có ai đó vừa choàng cho tôi chiếc áo bông bộ đội mới toanh. Quay lại, tôi nhận ra Thượng tá Phạm Thư Chương - Chính ủy Sư đoàn. Tôi vội đứng nghiêm: “Thưa, Chính ủy không xem phim ạ?”. Chính ủy Phạm Thư Chương bảo: “Tớ thấy cậu đứng ngoài đồi gió lạnh nên bảo quân nhu mở kho lấy cho chiếc áo kẻo cảm lạnh”. Tôi vô cùng xúc động và nhớ mãi.
Đoàn xe chở các chiến sỹ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào sáng 10-10-1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân |
Trở về Hà Nội, những lúc rảnh tôi lại tới thăm Chính ủy Phạm Thư Chương. Trong ngôi nhà yên ắng ở dốc Hàng Than có hai cặp vợ chồng già cùng sinh sống, đó là gia đình Đại tá Phạm Thư Chương và vợ chồng người em của ông. Điều lý thú là cả hai cặp vợ chồng đó đều là những người lính cảm tử của Trung đoàn Liên khu 1 (tên gọi ban đầu của Trung đoàn Thủ đô). Bốn chiến sĩ cùng chiến đấu trong trận đánh ở chợ Đồng Xuân những ngày cuối năm 1946 ấy đến nay vẫn sát cánh bên nhau. Họ đã chiến đấu cùng nhau, yêu nhau rồi trở thành vợ chồng. Đó là những cặp vợ chồng có tình yêu từ trên chiến lũy ngăn quân Pháp.
Hôm đến thăm các thủ trưởng, thấy không khí vui vui tôi bèn hỏi: “Thế hôm rút qua gầm cầu Long Biên để lên chiến khu, các thủ trưởng có nghĩ đến ngày trở lại Hà Nội như lời thề của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô không?”. Tất cả đều trầm ngâm, rồi Chính ủy Phạm Thư Chương chậm rãi nói: “Cũng có đấy, nhưng ngày đó cảm thấy xa vời lắm”. Đúng là ra đi thì ai cũng mong sớm trở về, nhưng tình thế kháng chiến muôn vàn khó khăn, cuộc chiến đấu không cân sức và vô cùng ác liệt. “Vậy mà các thủ trưởng đã trở về Hà Nội trong rực rỡ cờ hoa, trong huy hoàng và trong nụ cười chen những giọt nước mắt” - tôi nói. Chính ủy Phạm Thư Chương vẫn nét thâm trầm nhưng đầy đôn hậu như năm nào nói: “Vui, rất vui, còn hơn cả vui nữa. Được trở về như lời thề “Hà Nội ơi hẹn ngày trở lại” mà chúng tôi đã lấy than viết lên tường trước khi bí mật rút qua gầm cầu, đúng là có niềm tin thì mong muốn sẽ thành sự thật”.
Lần ra đi đêm tháng 2-1947 ấy cả 4 người đều chỉ dừng ở “bạn bè, đồng đội”, vậy mà mừng hơn cả mừng vì “lần trở về” mùa thu năm 1954 họ đã là một gia đình. Ra đi trong tiếc nuối và trở về trong hạnh phúc. Đúng là không có hạnh phúc nào hơn hạnh phúc trong sự trở về. Những chàng trai, cô gái Hà Nội đã tin và yêu cuộc sống mà họ lựa chọn: Chiến đấu để trở về đoàn tụ, trở về trọn vẹn niềm vui.