Thảm họa động đất kinh hoàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Kỳ tích và những thách thức đan xen

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tròn một tuần kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, công tác khắc phục hậu quả thiên tai tiếp tục diễn ra khi kỳ tích và những thách thức đan xen.

Động đất “tồi tệ nhất trong 100 năm qua”

Ông Martin Griffiths - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối hỗ trợ khẩn cấp cho biết, trận động đất hôm 6-2 tại Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria là “sự kiện tồi tệ nhất trong 100 năm qua” ở khu vực này.

Hôm 11-2, ông Martin Griffiths - người đứng đầu hoạt động hỗ trợ nhân đạo của Liên hợp quốc đến thăm tỉnh Kahramanmaras ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất. Ông Griffiths được các nhân viên cứu hộ thông báo về thiệt hại do trận động đất mạnh này gây ra cũng như về tình hình tại địa phương. Trả lời báo giới, ông cho biết đang phát động chương trình hỗ trợ kéo dài 3 tháng cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để giúp chi trả chi phí cho các hoạt động tái thiết các khu vực bị động đất tàn phá.

Đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc tại một tòa nhà bị sập ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ

Đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc tại một tòa nhà bị sập ở Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ

Tính đến chiều 13-2 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tuần trước đã tăng lên trên 35.000 người. Đây là trận động đất kinh hoàng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939 và là thảm họa thiên nhiên gây chết người nhiều thứ 6 trong thế kỷ này, sau trận động đất năm 2005 khiến ít nhất 73.000 người ở Pakistan thiệt mạng.

Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đang diễn ra hết sức khẩn trương. Cơ quan ứng phó thiên tai của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiện trên 32.000 nhân viên cứu hộ ở nước này vẫn đang tích cực đào bới các đống đổ nát để tìm kiếm người sống sót. Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn còn có sự tham gia của gần 8.300 nhân viên cứu hộ quốc tế.

Kỳ tích và những thách thức đan xen

Lực lượng cứu hộ đã giải cứu thêm nhiều người sống sót khỏi đống đổ nát, gần một tuần sau trận động đất kinh hoàng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Truyền thông quốc tế ngày 13-2 đưa tin, một phụ nữ 40 tuổi ở tỉnh Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã được các nhân viên cứu hộ đưa ra ngoài an toàn sau hơn 170 giờ bị mắc kẹt sau trận động đất đầu tiên xảy ra tại đây. Một nhóm cứu hộ ở thành phố Kahramanmaras cũng đã liên lạc được với 3 người được cho là bà, mẹ và một em bé 30 ngày tuổi dưới đống đổ nát. Nhân viên đội cứu hộ đã phải đào đường hầm để tiếp cận họ.

Trước đó, tối 12-2 (giờ địa phương), một bé trai 7 tuổi và một phụ nữ 62 tuổi ở tỉnh Hatay, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã được đưa ra khỏi đống đổ nát sau 163 giờ bị vùi lấp. Cùng ngày, các đội cứu hộ từ Nga, Kyrgyzstan và Belarus giải cứu an toàn một người đàn ông ra khỏi một tòa nhà bị sập sau 160 giờ kể từ khi xảy ra động đất. Một người cha cùng con gái, một bé mới biết đi và một bé 10 tuổi cũng là những kỳ tích sống sót trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ngày 12-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang ứng phó với nhiều thách thức trong khắc phục hậu quả động đất, từ duy trì trật tự an ninh đến phòng ngừa dịch bệnh sau thảm họa. Tại quận trung tâm Antakya - một trong những nơi bị tàn phá nặng nề nhất ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ - các chủ doanh nghiệp đã phải dọn sạch cửa hàng đề phòng kẻ gian cướp bóc hàng hóa. Người dân và nhân viên cứu hộ từ các thành phố khác cho biết điều kiện an ninh ngày càng tồi tệ, khi nhiều tài sản của các doanh nghiệp và những ngôi nhà bị sập đã bị lấy đi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng Chính phủ sẽ kiên quyết đối phó với tội phạm cướp bóc.

Trước nỗi lo về vấn đề vệ sinh và sự lây lan của dịch bệnh trong khu vực, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca hồi cuối tuần trước cho biết giới chức đã gửi vaccine phòng bệnh dại và uốn ván đến vùng gặp thảm họa và các hiệu thuốc lưu động đã bắt đầu hoạt động.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được viện trợ, hỗ trợ từ hàng chục quốc gia, thì hoạt động viện trợ cho Syria lại đang gặp nhiều khó khăn, làm dấy lên lo ngại rằng các nạn nhân ở phía bên kia biên giới có thể bị bỏ rơi. Ở Syria, thảm họa đã gây hậu quả nặng nề nhất ở vùng Tây Bắc - khu vực do quân nổi dậy kiểm soát và người dân nhận được rất ít hàng viện trợ so với các khu vực do Chính phủ kiểm soát.

Ông Martin Griffiths, Giám đốc viện trợ của Liên hợp quốc cho biết, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria chỉ có một cửa khẩu duy nhất mở cửa cho các chuyến hàng viện trợ của Liên hợp quốc. “Họ cảm thấy bị bỏ rơi một cách đúng nghĩa”, ông Griffiths nói, đồng thời cho biết thêm rằng giới chức đang tập trung giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.

Trong khi đó, Mỹ đã kêu gọi Chính phủ Syria và tất cả các bên lập tức cấp quyền tiếp cận nhân đạo cho tất cả những người dân có nhu cầu.