Kỳ 3: Khi người đàn ông khóc

ANTĐ - Vì không thể chịu nổi những đòn tâm lý do vợ gây ra, nhiều đấng nam nhi đã đến Trung tâm tư vấn để chia sẻ và mong tìm được người cùng cảnh ngộ.
 

 “Đồ bất tài, vô dụng”

Đó là câu cửa miệng của H.T mỗi khi bực tức chồng. T.V, chồng H.T chỉ biết im lặng mỗi khi vợ đay nghiến. Những người xung quanh bảo anh nhu nhược, làm mất mặt cánh nam giới, anh cũng chỉ im lặng quay đi.

Anh tâm sự “Lần đầu nghe cô ấy nói, tôi tức lắm, cũng định tát cho cô ấy một cái nhưng lúc đó cô ấy đang ôm đứa nhỏ nên lại thôi”. Và kể rằng, ngày mới lấy, vợ anh cũng lành hiền lắm, đâu có như bây giờ, chỉ từ lúc sinh con, “cô ấy mới thay tính đổi nết”.

Thấy chồng nhân nhượng, H.T càng được thể. Những người trong gia đình vợ lúc đầu còn bênh anh. Chị gái vợ có lần còn xúi anh “Mày cứ tát cho nó một cái cho khỏi bù lu, bù loa”, đứa em vợ quay sang khích bác lòng tự trọng của thằng đàn ông trong anh và ngay cả mẹ vợ cũng chì chiết con gái mình. Nhưng rồi mọi chuyện vẫn cứ thế diễn ra, những lời xúc phạm ngày càng nhiều hơn, còn anh thì vẫn chỉ biết im lặng. Lâu dần thành quen, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, hai bên nội ngoại ra sao mọi người chỉ hỏi ý kiến của vợ anh và vợ anh tự quyết định mọi chuyện mà không quan tâm đến anh.

Anh bảo: “Tôi như cái bóng trong nhà, đi đâu, về đâu chẳng ai biết, chẳng ai quan tâm. Chỉ có  đứa con gái nhỏ là chờ mong sự xuất hiện của tôi trong nhà”. Và thừa nhận “Tôi bất tài thật. Tôi chỉ nuôi bản thân mình còn chưa được nói gì đến nuôi vợ con!”. Nghe mà nản. Đến bản thân anh còn nghĩ vậy huống hồ vợ anh!

 

Chuyện của người  “sa cơ lỡ vận”

Anh Nguyễn Văn N, quê ở miền trong ra Hà Nội lập nghiệp. Sau nhiều năm bươn chải nơi đất khách quê người, cuộc sống của anh là niềm mơ ước của nhiều người. Vợ đẹp, con ngoan, nếp tẻ đủ cả. Nhà cửa, xe máy, ô tô, không thiếu gì cả. Hơn nữa, anh còn là giám đốc một công ty xây dựng uy tín. Nhưng “cuộc sống của tôi giờ như trong địa ngục, tôi thèm khát một ngày bình yên” anh tâm sự.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày anh bị tai nạn phải nghỉ ở nhà. Anh bảo, “đó thực sự là một cú sốc lớn”. Tuy nhiên, cú sốc đó chưa là gì so với những gì anh gặp phải sau đó. Không còn kiếm được tiền, anh trở thành cái gai trong mắt những người xung quanh và với ngay cả người cùng anh đầu gối tay kề. “Gia đình vợ đã đành nhưng ngay cả vợ cũng coi thường mình. Đến 2 đứa con cũng bị mẹ chúng lôi kéo quay lưng lại với bố”.

Anh kể, anh còn may mắn khi đứa con trai vẫn còn biết thương bố “trong nhà, giờ chỉ có thằng bé là thương tôi”. Nhưng đứa con trai đang tuổi trưởng thành lại không thể làm gì giúp bố. Anh có tiền sử bệnh dạ dày, nhiều lần thuốc thì hết, tiền cũng không có, anh không dám bảo vợ đưa tiền cho con đi mua thuốc, bởi, mỗi lần như thế vợ anh thường chì chiết “đã không làm ra tiền lại còn suốt ngày thuốc với chả thang”, kèm theo những lời nói nặng nề. Anh đành phải cắn răng chịu đau “để nhà cửa yên bình”.

Anh N nghẹn ngào kể lại: “Có lần tôi bị đau đúng lúc thằng bé ở nhà. Nó nhìn tôi rồi chạy mất. Lúc đó, tôi thấy cuộc sống thật vô nghĩa, đứa con trai, người duy nhất trong gia đình còn quan tâm tới tôi lại bỏ đi đúng lúc tôi đau yếu. Nhưng rồi, gần 1 tiếng sau nó quay lại và mang thuốc đến cho tôi. Hóa ra thằng bé đi vay bạn bè tiền để mua thuốc cho tôi. Tôi chỉ còn biết ôm con mà khóc”....

Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, BV Đức Giang, cả đàn ông và phụ nữ khi bị bạo hành đều không tránh được những tổn thương. Con số thống kê cho thấy, nam giới ít bị tổn thương, mức độ tổn thương nặng nhất là 28%, phần lớn là 17 – 18%. Nhưng người đàn ông bị vợ áp chế thường bị tổn thương rất nặng cả về thể xác lẫn lẫn tâm hồn, cả trong sinh hoạt, công việc và giao thiệp xã hội. Hầu hết các ông chồng bị bạo hành đều không dám lên tiếng, họ e ngại vì nghĩ “mình là thằng đàn ông để vợ bạo hành thì thực sự rất mất sĩ diện”,  nhất là các trường hợp bị vợ bạo hành về thể xác.

Hậu quả là đàn ông rơi vào trạng thái tâm lý lo âu, buồn chán, trầm cảm, mất tự tin. Họ cảm thấy bất lực, mệt mỏi và muốn tránh xa tổ ấm. Đặc biệt, đàn ông lớn tuổi dễ bị trầm cảm hơn khi vợ bạo hành.

Không chỉ có đàn ông hay phụ nữ bị bạo hành, trẻ em cũng là đối tượng bị bạo hành gia đình hành hạ.

Kỳ tới: Trẻ em bị bạo hành... nỗi đau còn mãi