Kinh tế đất nước đang trên đà phục hồi

ANTĐ - Là nội dung được trình bày đầu tiên tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tám - Quốc hội khóa XIII sáng 20-10, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thu hút sự quan tâm lớn không chỉ trong nghị trường, mà cả đông đảo đồng bào, cử tri cả nước. Theo báo cáo, giữa bối cảnh chung còn muôn vàn khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn đang chuyển biến tích cực.

Kinh tế đất nước đang trên đà phục hồi ảnh 1
Kinh tế đất nước đang trên đà phục hồi ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội bên lề phiên khai mạc. Ảnh: PHÚ KHÁNH


Tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua

Thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, nhất là diễn biến trên Biển Đông hết sức căng thẳng. Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước... Khó khăn, thách thức rất lớn, song với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục có bước phục hồi, chuyển biến tích cực nhất trong vòng 3 năm qua.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2014, lạm phát đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước: quý I đạt 5,09%, quý II đạt 5,25%, quý III đạt 6,19%, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; cả năm 2014 ước đạt 5,8%. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%.  Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước tăng 17,2% so với cùng kỳ, ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Các chương trình phát triển văn hóa xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm hơn.

Ngoài ra, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có bước cải thiện, huy động, sử dụng ngày càng tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Các giải pháp tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được triển khai tích cực, trong đó Chính phủ đã tăng cường quản lý và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới… Thủ tướng nhấn mạnh, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 mà Quốc hội giao, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt, vượt, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt. Đời sống nhân dân được cải thiện. Chủ quyền quốc gia được bảo đảm, chính trị xã hội ổn định. Vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên. 

Ổn định nhưng chưa bền vững

Bên cạnh những dấu hiệu khởi sắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, việc tái cơ cấu kinh tế còn chậm; môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện chưa nhiều; nợ xấu còn cao trong khi việc xử lý chưa hiệu quả như kỳ vọng; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng nhiều nơi chưa hiệu quả… Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; Bội chi ngân sách còn cao; Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%, vượt mức quy định…

Những khó khăn, tồn tại này càng được chỉ ra rõ hơn trong báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội năm 2014, kế hoạch năm 2015 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phân tích: “Trong năm 2014, cân đối ngân sách Nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội năm nay mà sẽ không đủ vốn để đầu tư, bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo”.  

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ sẽ nỗ lực phấn đấu để thực hiện nhất nhiệm vụ của năm 2014 đạt kết quả cao nhất. Năm 2015, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, Chính phủ mong muốn nhận được sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí đồng bào, cùng đoàn kết nhất trí, quyết tâm hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra.

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe các báo cáo, thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng; tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; báo cáo kết quả, thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2015; tờ trình và báo cáo thẩm tra tờ trình về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Một số chỉ tiêu quan trọng năm 2015

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%

- Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP 5% 

- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%

- Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%;    
Số giường bệnh đạt 23,5 giường/ 1 vạn dân.

- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 85%, đô thị là 82%.

Ông Trần Hoàng Ngân, ĐBQH TP Hồ Chí Minh: Muốn tăng trưởng đột phá, phải ổn định kinh tế vĩ mô

Vấn đề thiết yếu hiện nay là phải nghiên cứu để có giải pháp thúc đẩy nền  kinh tế tăng trưởng trở lại, vì tiềm năng của chúng ta là tăng trưởng từ 7% trở lên và có giai đoạn trong các năm từ 1995 - 1996, chúng ta đã tăng trưởng 9,5%. Tuy nhiên, 4 năm gần đây, nền kinh tế của chúng ta chỉ tăng 5,6%. Như vậy, đã đến lúc cần phải đột phá. Muốn tăng trưởng đột phá phải ổn định kinh tế vĩ mô và đó cũng là mục tiêu các ĐBQH thảo luận trong kỳ họp này.

Theo tôi, một trong những giải pháp hữu hiệu là Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đưa ra những luật đi vào thực tiễn nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế đang phát sinh.