Kinh tế có mạnh, quốc phòng an ninh mới vững

ANTĐ - Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội và quyết toán ngân sách Nhà nước. Bên cạnh việc mổ xẻ những yếu kém nội tại của nền kinh tế, vấn đề Biển Đông và những tác động của nó tới kinh tế - xã hội tiếp tục là mối quan tâm của nhiều ĐBQH.

“Phải siết chặt chi tiêu ngân sách để dành đóng tàu cho ngư dân bám biển.
Bởi ngư dân chính là người bảo vệ chủ quyền hữu hiệu nhất”,
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM)

Thắt lưng buộc bụng

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH lên tiếng kêu gọi “thắt lưng buộc bụng” để dồn sức mua tàu cá hỗ trợ ngư dân bám biển. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, kinh tế đất nước cần đặt trong trạng thái động: “Phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với quốc phòng. Cụ thể, Quốc hội cần có nghị quyết về nông nghiệp, liên quan đến nông dân, ngư dân để cải thiện đời sống của người dân”. Đi vào cụ thể, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất chính sách tạo nguồn hỗ trợ đội tàu cho ngư dân bám biển sản xuất.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị tập trung đóng tàu rồi cho ngư dân thuê: “Vinashin đang không có việc làm, đề nghị đóng tàu sắt cho ngư dân thuê. Chúng ta đang rất cần tàu sắt thu mua sản phẩm và chở về đất liền tiêu thụ. Việc này cần có bàn tay Nhà nước”. 

ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: “Vấn đề Biển Đông diễn biến còn phức tạp và nếu trong tình huống xấu nhất buộc chúng ta phải tự vệ. Vấn đề đặt ra là cần tập trung ngân sách quốc phòng, để chủ động trong mọi tình huống. Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện thắt lưng buộc bụng nghiêm túc”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình: “Phải siết chặt chi tiêu ngân sách để dành đóng tàu cho ngư dân bám biển. Bởi ngư dân chính là người bảo vệ chủ quyền hữu hiệu nhất”.

Cần nhiều kịch bản kinh tế

Ủng hộ các giải pháp của Chính phủ, nhiều ĐBQH đề nghị, trong tình hình hiện nay, phải tập trung nguồn lực, tinh thần và chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Do vậy, cần giải pháp động viên toàn dân tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên để tăng nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Cần khẩn trương rà soát lại các dự án đầu tư, trong đó, ưu tiên các dự án mang tính chiến lược quốc phòng.

ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, những nhận định, đánh giá của Chính phủ về kinh tế - xã hội đã tương đối rõ, sát tình hình thực tế. “Tuy nhiên, vừa qua, sự kiện bất ổn ở Biển Đông ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ kinh tế, thương mại hai nước. Cần đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này để có giải pháp cụ thể và bước đi phù hợp”, ông Thụ góp ý. 

Đại biểu tỉnh Lai Châu cho rằng, ở góc độ kinh tế - xã hội, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản. Chẳng hạn, nếu tình hình chỉ căng thẳng như hiện nay thì hậu quả thế nào? Từng ngành hàng bị ảnh hưởng thế nào? Doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nhất? “Nếu không có kịch bản thì dễ rơi vào thế bị động. Ngành dệt may đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ngành cao su cũng thế. Đây là những vấn đề lớn mà chúng ta cần phải sớm tính toán, tìm cách gỡ. Kinh tế có mạnh thì quốc phòng an ninh mới vững được” - ĐB Bùi Đức Thụ nói.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, từ thực tế trên, nên coi đó là bài học trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô và dự báo tình hình. ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng đề nghị tập trung đầu tư cho quốc phòng an ninh: “Tôi rất muốn nguồn lực khoa học công nghệ đủ đáp ứng cho quốc phòng an ninh song đáng tiếc chúng ta chưa làm được điều này. Vì thế, cần huy động tổng lực khoa học công nghệ nước nhà để chế tạo ra máy móc, phương tiện hiện đại phục vụ cho quốc phòng an ninh, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

ĐB Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nhanh chóng chuyển hướng thị trường

“Hiện nay, nhiều ngành hàng phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Nếu cứ để vậy thì khó hướng tới TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). Rõ ràng, về dài hạn, chúng ta muốn chuyển hướng thị trường. Trong tình hình hiện nay, càng phải nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Không thể chuyển hướng nền kinh tế nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay, rất tiếc, đề xuất nhiều mà vẫn chưa làm được công nghiệp hỗ trợ. 

Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là làm sao khai thông được tổng cầu. Tôi đề nghị cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi nhưng tiếp cận vốn khó khăn do vướng nợ đọng. Phải tập trung vực dậy ở nhóm doanh nghiệp này, không thể để họ chết...”.