Kinh doanh vận tải bằng ô tô: Kiểm tra ra vi phạm

ANTĐ - Qua kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải bằng ô tô trên cả nước, Bộ GTVT đã quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh của 15% đơn vị vận tải đang hoạt động. Bộ GTVT cũng kiến nghị sửa đổi một số điều luật  nhằm siết chặt hoạt động vận tải này.

Xe quá tải qua địa phương, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ

Địa phương quản lý lỏng lẻo

Theo báo cáo của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ này đã kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô của 350/1.919 đơn vị kinh doanh vận tải (tuyến cố định, taxi, container), trong đó kiểm tra 112 hợp tác xã vận tải (chiếm 32% số đơn vị được kiểm tra); số lượng phương tiện được kiểm tra là xấp xỉ 12.000 xe ô tô. Qua kiểm tra, Bộ GTVT đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế của nhiều địa phương trong quản lý và việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ.

Cụ thể, một số địa phương còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải; việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container đạt tỷ lệ thấp. Cùng với đó, nhiều Sở GTVT chưa kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải bằng xe ôtô qua thiết bị giám sát hành trình hoặc không xử lý vi phạm, đặc biệt đối với vi phạm về tốc độ, hành trình chạy xe, thời gian lái xe; chưa quan tâm đến thanh tra, kiểm tra, thậm chí chưa thực hiện; công tác hậu kiểm sau khi cấp phép kinh doanh vận tải tại nhiều tỉnh bị buông lỏng hoặc có thực hiện nhưng hiệu quả thấp. Bởi vậy, phần lớn các đơn vị kinh doanh vận tải được Bộ GTVT kiểm tra đều phát hiện nhiều tồn tại, vi phạm.  Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cũng phát hiện nhiều vi phạm, tập trung chủ yếu ở các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ, phương tiện thuộc sở hữu của nhiều cá nhân.

Kết quả cho thấy, có 75/350 đơn vị vận tải không có người trực tiếp điều hành kinh doanh hoặc có nhưng không đủ điều kiện; nhiều đơn vị không quản lý, sử dụng phương tiện để thực hiện kinh doanh vận tải mà chỉ làm các thủ tục pháp lý để xe đủ điều kiện hoạt động, còn lại là khoán trắng, cho thuê phương tiện… 

Với những tồn tại trong hoạt động kinh doanh vận tải  tại các doanh nghiệp được kiểm tra, Bộ GTVT đã  kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 636 lỗi vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 2,3 tỷ đồng; có 53/350 đơn vị bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (chiếm 15,1% tổng số đơn vị được kiểm tra); 113/350 đơn vị bị tước quyền sử dụng giấy phép cho đến khi khắc phục xong tồn tại (chiếm 32,2%); 1.370 phương tiện bị thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình; thu hồi 134 chấp thuận khai thác tuyến.

Cơ bản chặn xe quá tải vào cuối năm

Để kịp thời chấn chỉnh và tăng cường quản lý Nhà nước về vận tải, góp phần giảm thiểu TNGT, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban ATGT Quốc gia tăng cường kiểm tra, giám sát các ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ nhằm mục tiêu “Siết chặt quản lý vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện” được duy trì thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện vận tải chạy quá tốc độ, lấn làn đường, lái xe sử dụng chất kích thích, chất ma túy; chỉ đạo Công an các tỉnh, thành bố trí lực lượng, tăng cường phối hợp với Sở GTVT tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý xe quá khổ, qua tải.

Liên quan đến hoạt động của xe quá khổ, quá tải, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng về trật tự ATGT, đại diện UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh phát hiện nhiều xe quá tải chở hàng từ các địa phương lân cận nhưng không bị xử lý gây hư hỏng mặt đường, điển hình trên QL5. Do vậy, đại diện tỉnh này đề nghị các bộ, ngành xem xét khởi tố hình sự với những đối tượng cò mồi dẫn xe chở quá tải qua trạm. Trong khi đó, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xem xét, bổ sung các thông tin về tải trọng xe vào giấy đăng ký của xe quân sự để tiện kiểm soát tải trọng. 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT cũng như các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm soát tải trọng xe, đến cuối năm cơ bản không còn tình trạng xe quá, tải hoạt động. Riêng các trạm cân tải trọng phải hoạt động 24h/7 ngày trong tuần. “Từ nay nếu phát hiện xe quá tải quá khổ xuất hiện trên địa bàn nào mà không xử lý hiệu quả thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”.