Kiến nghị chi 6.000 tỷ đồng để làm cao tốc Cao Lãnh- An Hữu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu sơ bộ có tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe hạn chế) khoảng 6.029 tỷ đồng.

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Theo đề xuất, dự án có tổng chiều dài hơn 27 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài khoảng 18,2 km; đoạn qua tỉnh Tiền Giang khoảng 9,23 km.

Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4 km) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối dự án giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có quy mô là 4 làn xe, rộng 24,75m.

Tuy nhiên trong giai đoạn phân kỳ, Bộ GTVT kiến nghị tiến hành xây dựng theo quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m. Vận tốc thiết kế 100 km/h, công tác GPMB được thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch.

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ làm cao tốc Cao Lãnh- An Hữu bằng vốn ngân sách

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ làm cao tốc Cao Lãnh- An Hữu bằng vốn ngân sách

Để thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GTVT dự kiến chia dự án thành 2 dự án thành phần.

Dự án thành phần 1 (Km0 đến khoảng Km18+200) từ xã An Bình, huyện Cao Lãnh, đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh với chiều dài khoảng 18,2 km trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 4.300 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 (khoảng Km18+200 đến khoảng Km27+430) xã Tân Hưng, huyện Cái Bè đến xã An Thái Trung, huyện Cái Bè với chiều dài khoảng 9,23 km trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.

Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu sơ bộ có tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe hạn chế) khoảng 6.029 tỷ đồng.

Bộ GTVT đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ GTVT và vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Do tầm quan trọng của dự án và được thực hiện theo các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ GTVT xác định sẽ cùng các địa phương triển khai thủ tục chuẩn bị dự án năm 2022; Thực hiện GPMB, tái định cư năm 2022 - 2023 cơ bản đạt 90% - 95%; Thi công xây dựng công trình: năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa dự án vào sử dụng từ năm 2026.