Kiểm toán Nhà nước: Lãi suất cho vay giảm chưa tương ứng mức giảm lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất cho vay bằng VND bình quân của các tổ chức tín dụng tại cuối năm 2021 đã giảm 1,35% so với đầu năm 2020, tuy nhiên, mức giảm này vẫn chậm hơn mức giảm lãi suất tiền gửi, dẫn đến biên độ chênh lệch có xu hướng tăng và luôn duy trì ở mức cao trong năm 2020 và 2021.

Đây là kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo kết quả kiểm toán Chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ.

Theo đó, về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD) theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các văn bản sửa đổi, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2021, có 48/100 TCTD thực hiện chính sách, 52/100 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện miễn, giảm lãi phí giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

Qua kiểm toán cho thấy, việc ban hành và triển khai thực hiện chính sách còn một số hạn chế, chưa đầy đủ, rõ ràng dẫn tới khó khăn trong việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện, tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách và tiềm ẩn rủi ro đối với khách hàng trong việc tiếp cận chính sách.

Ngoài ra, NHNN chưa thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với việc triển khai chính sách tại các TCTD, đặc biệt là đối với các trường hợp khách hàng không được thụ hưởng chính sách do bị các TCTD từ chối hỗ trợ cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi, phí...

Kiểm toán Nhà nước họp báo công bố kết quả kiểm toán

Kiểm toán Nhà nước họp báo công bố kết quả kiểm toán

Chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến thời điểm 31/12/2021 số tiền lãi đã giảm đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 36.811 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay bằng VND bình quân của các TCTD giảm 1,35% so với thời điểm đầu năm 2020. Tuy nhiên, mức giảm của lãi suất cho vay bình quân chậm hơn mức giảm lãi suất tiền gửi bình quân trong năm 2020, dẫn đến biên độ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng và luôn duy trì ở mức cao trong năm 2020 và 2021.

Các TCTD chưa chủ động giảm lãi suất cho vay ở mức tương ứng với mức giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được vay vốn với chi phí hợp lý; một số TCTD thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay chưa đảm bảo theo cam kết...

Về chính sách về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, NHNN đã xây dựng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động xã hội, giao lưu kinh tế trực tiếp.

Tổng phí dịch vụ được miễn, giảm qua NHNN là 621 tỷ đồng; tổng phí dịch vụ được miễn, giảm qua Napas là 1.742 tỷ đồng. Tuy nhiên việc xây dựng chính sách còn bất cập, một số TCTD chưa chủ động thực hiện hoặc chưa thực hiện nghiêm chính sách; thời gian thực hiện chính sách bị gián đoạn, chưa xuyên suốt, không có kế hoạch nhất quán, chưa đảm bảo khả năng dự báo trong quá trình triển khai và cập nhật sửa đổi chính sách, dẫn tới bị động, ban hành chậm, không kịp thời theo sát diễn biến dịch.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị NHNN nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hướng như sau: Bổ sung các chỉ tiêu về nguồn lực cần thiết phải hỗ trợ làm cơ sở cho việc theo dõi, đo lường, đánh giá kết quả thực hiện, tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách;

Bổ sung cơ chế báo cáo thống kê về số lượng các khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ nhưng không được TCTD chấp thuận hỗ trợ để nâng cao trách nhiệm giải trình của các TCTD;

Quy định cơ chế ràng buộc và biện pháp xử lý cụ thể đối với các TCTD không thực hiện hỗ trợ khách hàng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách và các văn bản sửa đổi, bổ sung;

Quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng chính sách (khách hàng của các TCTD) để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của quá trình thực thi chính sách ở cấp độ TCTD đối với các khách hàng.

Nghiên cứu để có giải pháp điều hành lãi suất hiệu quả hơn, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, mục tiêu chính sách tiền tệ và điều kiện thị trường, tiếp tục giảm lãi suất cho vay bình quân, thu hẹp biên độ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi;

Khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách hỗ trợ cho các khách hàng vay vốn theo tinh thần của Nghị quyết 63.