Kiểm soát khí thải xe gắn máy: Giãn lộ trình đến 2017

ANTĐ - Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông đưa ra lộ trình 2010-2013 kiểm soát 20% số xe máy ở Hà Nội và TP. HCM, song đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Dự kiến, phải đến năm 2017, việc kiểm soát khí thải xe máy mới có thể bắt đầu thực hiện.

Hơn 40 triệu xe gắn máy chưa được kiểm soát về khí thải

Vấn đề cấp thiết nhưng phức tạp

Đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010, có hiệu lực thực hiện từ 1-1-2011. Mục tiêu, giai đoạn 2010-2013 kiểm soát được 20% xe mô tô, xe gắn máy ở Hà Nội và TP. HCM, xây dựng ít nhất 100 cơ sở kiểm định ở Hà Nội và 150 cơ sở ở TP. HCM, tập huấn cho ít nhất 500 cán bộ, quản lý, nhân viên nghiệp vụ tại 2 TP này. Giai đoạn 2013-2015, từ 80-90% xe gắn máy tham gia giao thông tại 2 TP lớn được kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải, mở rộng mạng lưới cơ sở để thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 60% xe gắn máy ở các đô thị loại 1 và 2. Tuy vậy, kể từ khi Đề án được phê duyệt đến nay, việc thực hiện mới chỉ là xây dựng các văn bản và xây dựng lộ trình trên giấy.  Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay, Cục này bắt đầu thực hiện một phần dự án, đó là kiểm soát khí thải đối với xe mới, còn số xe đang lưu hành thì cần có lộ trình.

Mặc dù đánh giá là cần thiết phải thực hiện kiểm soát khí thải xe gắn máy, song Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, việc triển khai sẽ rất khó khăn. “Kiểm soát khí thải xe gắn máy là vấn đề xã hội phức tạp vì liên quan đến đại bộ phận người dân ở các TP lớn và nhiều đối tượng, thành phần khác nhau. Đặc biệt, nó ảnh hưởng đến đa số người dân có mức thu nhập trung bình, thấp”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm bày tỏ. Chưa kể, để thực hiện kiểm định bảo đảm tiêu chuẩn cho số lượng xe này cần phải có hàng trăm điểm kiểm tra khí thải với số lượng đăng kiểm viên lên tới hàng nghìn người.

Cơ sở đủ điều kiện sẽ được tham gia kiểm định

Theo lộ trình Cục Đăng kiểm kiến nghị, sẽ bắt đầu áp dụng kiểm soát khí thải xe gắn máy từ năm 2017 đối với Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Và từ 2021, sẽ thực hiện ở các TP loại 2. Đối với những xe kiểm định không đạt yêu cầu, chủ xe sẽ có trách nhiệm bảo dưỡng, hiệu chỉnh, thay thế vật tư phụ tùng để đạt mức phát thải theo quy định. Đồng thời, từ năm 2017, các nhà sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe gắn máy sẽ phải thực hiện dán tem đảm bảo yêu cầu môi trường về khí thải theo mức Euro 4 (hiện đang thực hiện theo Euro 2). 

Đề cập đến vấn đề tiêu cực, xe không kiểm định cũng được cấp tem, ông Nguyễn Hữu Trí khẳng định, Cục Đăng kiểm sẽ kiểm soát bằng hệ thống máy tính tập trung, kết quả đo ống xả được gửi về Cục Đăng kiểm. Tem cũng sẽ được làm để chống giả. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm sẽ hướng dẫn, chuyển giao nghiệp vụ cho nhân viên các đại lý, cơ sở bảo dưỡng để nhân viên có đủ nghiệp vụ thực hiện. 

Tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, từ 1-7-2017, bắt buộc kiểm soát khí thải đối với xe trên 10 năm sử dụng (tức xe đăng ký lần đầu từ trước ngày 1-7-2007), ước tính có khoảng 6,1 triệu xe thuộc diện này. Từ 1-7-2018, bắt buộc đối với xe trên 5 năm sử dụng, ước tính có 5,2 triệu xe phải được kiểm định. Từ 1-7-2019 bắt buộc đối với các xe còn lại, ước tính có thêm 3,8 triệu xe phải được kiểm định. Từ 1-3-2020, xe gắn máy tham gia giao thông trên địa bàn các TP loại 1 (8 TP) phải được kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải. Từ 1-3-2021, xe gắn máy tham gia thao thông tại các TP loại 2 (11 TP) sẽ phải được kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải.