Kiềm chế TNGT đường sắt: Không thể "khoán trắng" cho địa phương

ANTĐ - Trước tình trạng TNGT đường sắt diễn biến phức tạp, ngành đường sắt cho rằng do địa phương chưa phối hợp trong việc quản lý đường ngang, trong khi đó, các quận, huyện lại đổ tại đường sắt cát cứ, không chủ động.
Kiềm chế TNGT đường sắt: Không thể "khoán trắng" cho địa phương  ảnh 1 Thiếu quan sát, ý thức chấp hành chưa tốt là nguyên nhân chính gây ra TNGT đường sắt

Tai nạn tăng trên cả 3 tiêu chí

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, mạng lưới đường sắt trên địa bàn TP có 5 tuyến với chiều dài 160km, trong đó 2 tuyến chạy xuyên tâm TP là Hà Nội - TP. HCM và Hà Nội - Yên Viên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao. Đáng nói, với 160km đường sắt, toàn TP hiện có 581 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt, trong đó, 76 vị trí có người gác, 108 vị trí có biển báo hoặc cảnh báo tự động và còn 401 vị trí không rào chắn, cảnh báo. “TNGT đường sắt những tháng đầu năm 2015 rất nhức nhối, gia tăng trên cả 3 tiêu chí”, ông Nguyễn Xuân Tân cho hay. Cụ thể, từ 16-11-2014 đến 15-7-2015, toàn TP xảy ra 16 vụ, làm 19 người chết, bị thương 8 người. So với cùng kỳ năm 2014 tăng 9 vụ, tăng 1 người chết và tăng 5 người bị thương. 

Gần đây nhất, vào 16h chiều 22-7, tại khu vực chùa Tứ Kỳ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, ô tô BKS: 29A - 006.27 đi từ chùa Tứ Kỳ ra đường Ngọc Hồi, khi vượt qua đường sắt thì bị tàu Bắc - Nam chạy hướng Hà Nội - Sài Gòn đâm chính diện. Cú đâm mạnh khiến xe ô tô bay xa nhiều mét, một người ngồi trong xe tử vong tại chỗ. Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, điểm giao cắt này không có tín hiệu cảnh báo. “Ý thức của người dân khi vượt đường ngang giao cắt đường sắt còn kém, thiếu quan sát đã dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm”, ông Nguyễn Xuân Tân nhận định.

Cách quản lý lỗi thời

Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Đoàn Duy Hoạch nhìn nhận, sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý đường sắt và địa phương còn lỏng lẻo là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT đường sắt gia tăng.

Không đồng tình với nhận định này, nhiều lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội phản ánh, rất khó để phối hợp với các đơn vị của ngành đường sắt. Ông Tạ Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trên địa bàn huyện có 17 nút giao cắt với đường sắt, nhưng chỉ 3 nút có rào chắn, còn lại là “không có gì”. Ông Nguyễn Mạnh Trình, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cũng cho hay, sự phối hợp giữa ngành đường sắt với địa phương trong công tác đảm bảo ATGT đường sắt là “không có”. Trên địa bàn quận Long Biên có tuyến đường  sắt Hà Nội - Lạng Sơn, độ dốc giao cắt với đường bộ lớn, nhà dân san sát hai bên nhưng quận kiến nghị xây dựng đường gom bao năm nay chưa được giải quyết.

Đồng tình với ý kiến từ các địa phương, Đại tá  Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, VNR phải có trách nhiệm phối hợp với các địa phương trong việc đảm bảo ATGT, không thể khoán trắng, phó mặc cho địa phương. Trong thời gian tới, để kiểm soát TNGT đường sắt trên địa bàn TP, VNR cần khảo sát những bất cập về cơ sở hạ tầng để có hướng khắc phục. Việc này phải làm thường xuyên, liên tục chứ không phải làm theo sự vụ, đặc biệt, cần ưu tiên bố trí kinh phí làm đường gom dân sinh hai bên nhằm giảm TNGT đường sắt.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR nhìn nhận: ““Động” vào đường sắt là rất khó khăn. Vì ngành có nhiều ban bệ, đơn vị thành viên, chồng chéo trong quản lý, gây khó khăn cho việc phối hợp với các địa phương”. Do vậy, để đảm bảo ATGT, phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị có liên quan. Việc quản lý, mở, đóng các đường ngang phải quy vào một đầu mối, tránh tình trạng mỗi đơn vị một kiểu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc chậm điều chỉnh những quy định, cách quản lý lỗi thời đã khiến ngành đường sắt chậm tiến. “Ngành đường sắt trách địa phương không phối hợp, chính quyền địa phương lại bảo do ngành đường sắt. Tôi yêu cầu các đơn vị không đổ lỗi qua lại, phải chủ động phối hợp để xử lý những vấn đề gây mất ATGT. Quận, huyện không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm với TP, còn các đơn vị của ngành đường sắt sẽ phải chịu trách nhiệm với Bộ GTVT”, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.