Kiếm ăn trên thực phẩm bẩn

ANTĐ - Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Viện xã hội học - Viện KHXH&NV Việt Nam, sự gia tăng số vụ gian dối về an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy trình trạng xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận xã hội. 

Những vụ việc sản xuất kinh doanh thực phẩm “bẩn” bị phát hiện khiến dư luận không khỏi phẫn nộ về sự bất nhân của những kẻ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thực phẩm “bẩn” và đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân khiến một số người lại sẵn sàng bán rẻ lương tâm để đổi lấy những đồng tiền thiếu trong sạch? Siêu lợi nhuận đã làm cho nhiều kẻ bất chấp tất cả. Song sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm của họ lại làm tổn hại sức khỏe, đầu độc thế hệ tương lai. Có một điều chắc chắn là không ai muốn dùng sản phẩm không an toàn, không có người sản xuất chân chính nào muốn sản phẩm của mình bị ế ẩm. Nhưng thực tế là vẫn có nhiều sản phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân và ngay cả những nhà sản xuất vì chính bản thân họ cũng phải sử dụng không ít thực phẩm bẩn. 

Công bằng mà nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thuộc về người tiêu dùng. Do giá của thực phẩm an toàn luôn cao hơn hàng kém an toàn song phần đông người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích thực phẩm “ngon, rẻ” không cần nhãn hiệu hay địa chỉ của nhà sản xuất. Đây chính là khó khăn lớn nhất trong cuộc đấu tranh với thực phẩm kém chất lượng, bởi thực phẩm “ngon mà bổ” thì thường không rẻ, và “ngon mà rẻ” thì rất khó “bổ”. Khi người tiêu dùng còn ham rẻ thì các cơ sở sản xuất vẫn phải tìm mọi cách để giảm giá thành. Ngược lại, nếu người tiêu dùng kiên quyết nói không với thực phẩm trôi nổi, từ bỏ tâm lý thích sản phẩm giá rẻ, chọn hàng có nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng được kiểm định chặt chẽ thì các cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn sẽ không còn “đất sống”.