Kích thích và kích cầu

ANTĐ - Ngay sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định trước công luận những công việc trọng tâm cần ưu tiên giải quyết. Đó là nắm bắt tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, các giải pháp tăng thu ngân sách, chống thất thu, xử lý nợ đọng. Đặc biệt, ông nhấn mạnh, tiếp tục triển khai chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đã nhận xét, tình hình thu ngân sách từ năm 2011 đến 5 tháng đầu năm nay có chiều hướng xấu. Điều này tạo thêm áp lực mất cân đối ngân sách những năm sau. Theo tân Bộ trưởng Tài chính, không có cách nào khác là phải đẩy mạnh chống thất thu ngân sách như tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; xử lý trốn thuế, nợ đọng thuế. Song, muốn tăng thu ngân sách, giải pháp hữu hiệu nhất là kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, tiến tới tạo đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời rà soát việc thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn giảm thuế, nhất là xem xét tỷ lệ động viên phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu. Kích thích sản xuất, kích cầu cứu nền kinh tế không phải là biện pháp mới mẻ. Không ít nhà hoạch định chính sách cũng như chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại “đòn” kích cầu dễ có khả năng đẩy lạm phát tăng cao trở lại như đã từng xảy ra cách đây dăm năm. Tuy nhiên, một số lãnh đạo ngân hàng lớn lại lập luận, “liều thuốc” đặc hiệu với thị trường và doanh nghiệp hiện nay chính là kích cầu cứu nền kinh tế. Kinh tế đang suy giảm nghiêm trọng, đừng để nó rơi xuống đáy suy thoái. Muốn cứu thì phải kích cầu chứ không phải vấn đề lãi suất.

Điều kiện thực tiễn hiện nay không giống những năm trước với tình trạng tồn kho, nợ xấu, “đóng băng” bất động sản chưa từng thấy. Giảm phát mới thực sự đẩy nền kinh tế vào tình trạng kiệt quệ, làm tê liệt các doanh nghiệp vốn đã rơi xuống đáy sâu, chưa tìm ra lối thoát. Bàn về vấn đề giải quyết nợ xấu, trong một cuộc hội thảo mới đây nhiều ý kiến lại “lật ngược” vấn đề khi cho rằng, nợ xấu chỉ là phần ngọn. Phải xử lý được gốc nợ xấu, đó là tình trạng “bắt tay” giữa các ngân hàng nhà nước với tư nhân “đẻ” ra các công ty bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, huy động tiền của người dân đổ vào bất động sản. Như vậy, không chỉ là xử lý nợ xấu trong bất động sản mà quan trọng hơn là cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng bịt được “kẽ hở” về thể chế tạo nên mối liên kết nội bộ giữa ngân hàng với doanh nghiệp bất động sản, làm minh bạch các khoản tín dụng. Nếu không giải quyết tận gốc nợ xấu bất động sản thì “bơm” 30.000 tỷ đồng cũng khó có tác dụng tích cực…

Ngành tài chính đang có quá nhiều việc phải làm, trong một số công việc ưu tiên cần làm ngay, theo tân Bộ Trưởng Tài chính là các giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng. Đã đến lúc phải chấp nhận thu tay phải, chi tay trái. Kích cầu bằng cách đổ vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia đang thiếu vốn.